Ngành y tế hiện vẫn chưa đưa ra kết luận nào về nguyên nhân khiến bé T.L.N (2 tháng tuổi, ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tử vong ngày 15-1, chỉ 1 ngày sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem “5 trong 1”. Đây được ghi nhận là trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem đầu tiên trong năm 2014 và là ca thứ 3 tử vong trong vòng 3 tháng mà vắc-xin này được đưa vào sử dụng trở lại.
Cũng như các vụ tai biến Quinvaxem trước đây, ngành y chỉ biết yêu cầu ngừng tiêm lô vắc-xin đã tiêm để “chờ ngành chức năng kiểm tra, xử lý” chứ chưa thể đưa ra cách xử lý nào khác giúp người dân an tâm hơn khi đưa con em đi tiêm chủng.
Trước đó, Quinvaxem đã bị tạm dừng từ tháng 5-2013 khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm. Cho đến khi cơ quan chuyên môn, chức năng trong nước cũng như Tổ chức Y tế Thế giới cùng khẳng định Quinvaxem “vô can” và vẫn an toàn thì vắc-xin này lại tái xuất trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 10-2013.
Thế nhưng, mới đưa vào sử dụng trở lại có hơn 1 tháng thì lại xuất hiện hàng loạt tai biến sau tiêm Quinvaxem, thậm chí có trẻ đã tử vong. Trước thực tế đáng lo ngại này, quan chức đứng đầu một cơ quan của Bộ Y tế vào cuối tháng 11-2013 hứa hẹn rằng các thành viên hội đồng chuyên môn sẽ họp lại để đánh giá về tai biến sau tiêm Quinvaxem. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy hội đồng kết luận ra sao trong khi phụ huynh vẫn phải cho con tiêm Quinvaxem trong tâm trạng phập phồng lo sợ.
Dù các cơ quan y tế nước nhà trước sau như một trấn an dư luận rằng Quinvaxem vô can, tỉ lệ tai biến sau tiêm nằm trong giới hạn cho phép song cũng thừa nhận Hàn Quốc - đất nước sản xuất loại vắc-xin này - từ lâu đã không còn sử dụng mà chuyển sang dùng loại mới an toàn hơn. Còn nước ta hiện chưa thể dùng vắc-xin thế hệ mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho hàng triệu trẻ em mỗi năm bởi nó đắt gấp 6-7 lần Quinvaxem. Nói như vị cựu quan chức đứng đầu dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia: “Nước chúng ta nghèo nên phải chịu, phải chấp nhận”.
Đã xảy ra quá nhiều tai biến sau tiêm Quinvaxem trong khi vắc-xin thế hệ mới dù đã sử dụng tại nước ta 10 năm (cho các trường hợp tiêm dịch vụ) chưa ghi nhận trường hợp tai biến nào. Thế nên, thật khó thuyết phục khi cứ nói Quinvaxem vô can để rồi lại phải chứng kiến những trường hợp tai biến đau lòng sau khi tiêm loại “vắc-xin nhà nghèo” này.
Bình luận (0)