Có người đã phải thốt lên rằng thế là “vắc-xin được giải oan” hay “vắc-xin thoát tội”. Thực ra thì dân chúng không am tường lắm về vắc-xin như thầy thuốc nên nghi hoặc thì cứ nghi hoặc nhưng vẫn cứ phải mang con đi tiêm phòng.
Nhưng câu chuyện đau lòng này lại đang diễn biến theo một chiều hướng khác bởi nhiều người, thậm chí cả trong ngành y tế, thốt lên rằng có lẽ còn một sự thật khác bởi quá khó tin một y tá được đào tạo hẳn hoi lại có sự nhầm lẫn đến độ vô lý như thế. Có bác sĩ còn nói thẳng là dù hình dáng bên ngoài khá giống nhau nhưng vắc-xin viêm gan B có dạng bột và có dung môi pha hồi chỉnh kèm theo nên trước khi sử dụng phải hòa tan với dung môi đi kèm. Sau khi pha xong, vắc-xin phải được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và phần còn lại sau mỗi buổi tiêm chủng hoặc sau 6 giờ phải hủy bỏ. Trong khi đó, thuốc Esmeron thường sử dụng tiêm trực tiếp. Vậy thì làm sao mà nhầm cho được?
Nhưng không tin thì vẫn cứ phải tin vì trước 2 ngày xảy ra việc 3 trẻ sơ sinh tử vong, chính đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vắc-xin tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa và đã cảnh báo là khắc phục ngay tình trạng vắc-xin để lẫn lộn với các sinh phẩm khác, trái quy định.
Nếu đúng vậy thì sự nhầm ở đây sẽ không chỉ có y tá Thuận. Bởi còn nhiều người khác có trách nhiệm “nhầm” đến mức làm trái quy định bảo quản vắc-xin. Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng “nhầm” đến mức tưởng rằng những cảnh báo của họ sẽ có tác dụng để bệnh viện này làm đúng quy trình.
Khó để đòi hỏi ngành y tế nước ta chấm dứt nhầm lẫn trong tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, sau vụ việc đau lòng ở Quảng Trị, dù Bộ Y tế hô hào là đã “siết” chặt an toàn tiêm chủng bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, tăng cường kiểm tra các điểm tiêm chủng... thì người dân cũng khó để tin là sẽ được tiêm chủng đúng quy trình.
Khó tin là vì tuy Bộ Y tế cho biết qua kiểm tra khoảng 13.000 điểm tiêm chủng cố định trong toàn quốc thì 98,3% điểm đủ điều kiện tiêm chủng (miền Nam: 96,6%; miền Trung: 94%; miền Bắc: 99,4%). Thế nhưng, kết quả kiểm tra thực hành an toàn tiêm chủng năm 2013 của gần 100 điểm tiêm chủng ngay ở thủ đô Hà Nội lại cho thấy có tới 37,1% nhân viên y tế có kỹ thuật tiêm chưa chuẩn; 27,84% bố trí điểm tiêm chưa hợp lý; 28,6% tư vấn sau tiêm chưa đầy đủ; 4,12% chưa theo dõi sau tiêm 30 phút. Ngoài ra, không ít điểm thiếu tài liệu hướng dẫn, sổ sách báo cáo không đầy đủ, cán bộ y tế không ký sổ tiêm sau tiêm...
Ngành y tế ở Hà Nội mà còn như thế thì Bộ Y tế muốn tin vào kết quả “siết”, “kiểm”… của mình thì cứ việc tin chứ dân khó mà tin nổi.
Bình luận (0)