xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VỤ 5 TRIỆU YEN: Công an chần chừ, chị ve chai khiếu nại

Bài và ảnh: LÊ PHONG

Lấy lý do cần có thêm thời gian xác minh người sở hữu 5 triệu yen, Công an quận Tân Bình, TP HCM chưa bàn giao số tiền này cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng

Sáng 12-5, Đại tá Lê Hồng Châu, Trưởng Công an quận Tân Bình, đã gửi văn bản phúc đáp đến chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (tạm trú phường 10, quận Tân Bình; người phát hiện 5 triệu yen trong chiếc loa). Nội dung văn bản nói rõ đến thời điểm này, vẫn chưa kết luận ai là chủ nhân thật sự của 5 triệu yen. Do vậy, Công an quận Tân Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh để giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng thất vọng khi nhận văn bản trả lời từ Công an quận Tân Bình sáng 12-5
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng thất vọng khi nhận văn bản trả lời từ Công an quận Tân Bình sáng 12-5

Không đồng ý với nội dung nói trên, chị Hồng cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại đến Công an quận Tân Bình vào sáng 13-5. Nội dung khiếu nại cho rằng Công an quận Tân Bình đã tự tạo tranh chấp giữa chị và bà Phạm Thị Ngọt (người tự nhận 5 triệu yen là của chồng mình, ông Caleb - người Nigeria), trong khi người này không đủ tư cách để đứng đơn đòi lại tài sản thất lạc. Chị Hồng yêu cầu Công an quận Tân Bình sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, trao trả 5 triệu yen cho chị theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM), bảo vệ quyền lợi cho chị Hồng, nhấn mạnh: “Việc Công an quận Tân Bình kéo dài thời gian giải quyết với lý do cần xác minh đơn tường trình của bà Ngọt là không đúng thẩm quyền. Do vậy, nếu Công an quận Tân Bình tiếp tục trả lời không thỏa đáng, chị Hồng sẽ khởi kiện ra tòa”.

Hiện tại chị Hồng khá suy sụp, tuyệt vọng. “Hôm trước, tôi có đọc một ý kiến luật sư trên báo rằng 9 năm nữa sẽ nhận tiền, lúc đó tay chân tôi... bủn rủn. Giờ đọc thêm thông báo mới, càng thêm lo âu” - chị Hồng mệt mỏi.

Trong khi đó, đến nay, bà Ngọt vẫn chưa cung cấp thêm bằng chứng gì mới. “Mấy ngày qua, trước cửa nhà tôi xuất hiện 2 đối tượng lạ, gồm 1 nam và 1 nữ. Họ cứ lăm le, theo dõi khiến tôi bất an” - bà Ngọt nói.

Theo luật sư Hà Hải, vào tháng 3-2014, chị Hồng đã giao nộp 5 triệu yen cho Công an phường 10, quận Tân Bình để tìm chủ nhân, sau đó số tiền này được chuyển lên Công an quận Tân Bình. Vì vậy, căn cứ quy định tại khoản 2, điều 239 Bộ Luật Dân sự (BLDS), chị Hồng phải được trao số tiền nhặt được. “Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu... thì sau 1 năm, vật đó thuộc sở hữu của người phát hiện” - luật sư Hà Hải dẫn chứng.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP, Đoàn luật sư TP HCM:

Đừng làm rối thêm nữa!

Cho đến thời điểm này, việc tranh cãi về thẩm quyền xử lý vụ 5 triệu yen vẫn chưa có hồi kết. Trong khi các cơ quan hữu quan cũng chưa biết phải xử lý số tiền trên như thế nào thì gần đây lại có ý kiến cho rằng để nhận được số tài sản này, chị Hồng cần phải đợi đến... 9 năm nữa (?)

Ý kiến này cho rằng theo quy định tại điều 163 BLDS thì tiền là tài sản được xác định hoàn toàn khác với vật. Trong trường hợp này, chị Hồng nhặt được tiền chứ không phải vật. Vì vậy, không thể áp dụng điều 241 BLDS để xác lập quyền sở hữu sau thời hạn 1 năm kể từ thời điểm thông báo, mà phải áp dụng khoản 7, điều 170 BLDS về chiếm hữu liên tục, công khai, ngay tình... Và như vậy, thời hiệu để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp này phải là 10 năm, kể từ thời điểm chiếm hữu.

Đây là cách hiểu không phù hợp với tinh thần quy định tại điều 241 BLDS. Khái niệm vật bị đánh rơi, bỏ quên theo tinh thần quy định tại điều 241 có nội hàm rộng hơn rất nhiều so với khái niệm “vật” quy định tại điều 163 BLDS. Rõ ràng, cách hiểu này hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của điều luật cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Chỉ khi nào điều luật quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là vật thì lúc đó mới có thể cho rằng tài sản trong trường hợp này là tiền chứ không phải vật.

Chúng ta đều biết vụ việc chị ve chai nhặt được tài sản đã kéo dài hơn 1 năm nay với rất nhiều ý kiến tranh luận nhưng tất cả chủ yếu tập trung vào vấn đề xác định thẩm quyền xử lý vụ việc thuộc về cơ quan nào. Ngoài ra, không một luật sư hay chuyên gia pháp lý nào đặt vấn đề, số tiền 5 triệu yen mà người mua ve chai nhặt được có phải là vật bị đánh rơi, bỏ quên hay không? Bởi lẽ, đó là một thực tế hiển nhiên, chẳng có gì cần phải bàn cãi. Vì vậy, chúng ta cũng đừng làm cho sự việc trở nên phức tạp và rối rắm thêm nữa.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo