Liên quan đến vụ Bác sĩ bị ép làm “đao phủ” (Báo Người Lao Động ngày 14-12 đã phản ánh), trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 15-12, ông Nguyễn Hữu Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan này có tiến hành kiểm sát việc thi hành án tử hình đối với phạm nhân Nguyễn Thành Khâu tại tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Phú Yên không đi cùng trong đoàn của hội đồng thi hành án tử hình.
“Vụ việc cụ thể tôi không rõ. Các anh hỏi chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình của tỉnh sẽ rõ hơn” - ông Phúc nói.
Bác sĩ chỉ hỗ trợ
Cũng theo chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên, sở dĩ cần bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch vì các tử tù bị giam lâu, tĩnh mạch của họ lặn sâu vào trong, khó xác định. Ông Đô cũng nói trước đây, khi soạn dự thảo quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc để trình Chính phủ, ban soạn thảo có đề nghị bác sĩ phải tham gia hội đồng thi hành án tử hình để trực tiếp tiêm thuốc độc cho phạm nhân. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Y tế phản ứng gay gắt, cho rằng như thế là vi phạm y đức, ngành y tế chỉ cứu người. Từ phản ứng này nên trong quy định, bác sĩ chỉ hỗ trợ xác định tĩnh mạch phạm nhân khi cần thiết.
Theo một bác sĩ nhiều năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, việc xác định tĩnh mạch ở tay đối với một phạm nhân là hết sức đơn giản. “Với một người bình thường, chỉ cần tập huấn sơ bộ cũng có thể biết chính xác tĩnh mạch ở đâu, không cần phải y, bác sĩ, càng không cần phải đưa kim tiêm vào tĩnh mạch mới gọi là xác định tĩnh mạch”- vị bác sĩ này nói.
Có quyền từ chối
Luật sư Nguyễn Khả Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Khả Thành (tỉnh Phú Yên), dẫn điều 8 của Nghị định 82-2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Ở khoản 4 của điều này quy định: “Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm. Trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo chủ tịch hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch. Cán bộ trực tiếp thi hành án chịu trách nhiệm đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định”.
“Vậy thì việc xác định tĩnh mạch và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân là việc của cán bộ thi hành án, không phải bác sĩ. Trường hợp cần đến bác sĩ hỗ trợ cũng chỉ giúp xác định tĩnh mạch, không thể bắt họ đưa kim tiêm vào tĩnh mạch phạm nhân”- luật sư Thành khẳng định.
Đồng quan điểm với luật sư Thành, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc xác định tĩnh mạch và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân không phải nhiệm vụ của bác sĩ. Điều dưỡng viên và bác sĩ có quyền từ chối công việc này.
Luật sư Hà còn khẳng định Luật Thi hành án hình sự hiện hành quy định điều dưỡng viên và bác sĩ không phải là thành viên của hội đồng thi hành án tử hình. Vì vậy, bác sĩ và điều dưỡng viên hoàn toàn có quyền từ chối thực hiện công việc không thuộc chức năng, thậm chí là trái với y đức.
Bộ Y tế: Không thể chấp nhận! Ngày 15-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định theo quy định tại điều 19 của Nghị định Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, nhân viên y tế chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình. Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp đủ số lượng và hướng dẫn bảo quản sử dụng các loại thuốc theo quy định để phục vụ thi hành án tử hình. Các cơ quan nghiệp vụ, bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Quốc phòng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành y tế có liên quan đến việc thi hành án tử hình cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình. Cũng theo Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cần có văn bản gửi Bộ Y tế phản ánh sự việc để bộ có ý kiến với cơ quan công an. Đại diện Bộ Y tế khẳng định nếu việc tiêm thuốc độc tử hình do nhân viên y tế thực hiện thụ động là tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch tử tù thì đây là việc không thể chấp nhận được bởi trách nhiệm của nhân viên y tế là chăm sóc sức khỏe người dân và cứu chữa người bệnh.
D.Thu |
Bình luận (0)