Bốn ngày sau sự cố vỡ hồ chứa bùn thải titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại (ĐTKS-TM) Bình Thuận ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, một lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài vẫn chưa được thu dọn xong.
Hết hạn vẫn khai thác
Theo lãnh đạo công ty, số titan này được khai thác trước ngày 10-5 (thời điểm UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động) nhưng vì sợ... gió thổi bay nên phải phủ cát lên để giữ lại! Trong khi đó, ngày 11-10, Công an huyện Hàm Thuận Nam phát hiện công ty vẫn tiếp tục khai thác trái phép titan tại khu vực suối Nhum. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, báo cáo vụ việc với UBND tỉnh Bình Thuận.
Công ty CP ĐTKS-TM Bình Thuận được khai thác titan - theo giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - từ năm 2007 đến tháng 10-2012. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5-2013, UBND tỉnh Bình Thuận mới ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động công ty. Ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, lý giải: “Trước khi hết hạn khai thác, công ty phải hoàn thiện thủ tục xin cấp phép gia hạn. Trong khi chờ cơ quan thẩm quyền quyết định, công ty vẫn tiếp tục được khai thác titan”.
Theo ông Giác, việc cấp giấy phép gia hạn cho công ty thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT nhưng hiện bộ này vẫn chưa có văn bản trả lời. “Nói công ty có khai thác lén lút trong thời gian bị đình chỉ hay không là rất khó. Chúng tôi phải chờ kết quả của cơ quan điều tra” - ông Giác cho biết.
Nhiều hệ lụy nguy hiểm
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-11, ông Nguyễn Thành Long, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP ĐTKS-TM Bình Thuận, tiết lộ: “Từ tháng 6-2009, bà Hoàng Thị Lý với tư cách là quyền chủ tịch HĐQT đã cấu kết với con ruột là ông Tô Tài Tích, tổng giám đốc công ty, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế với hơn 117 hợp đồng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”.
Ông Long cho biết bà Lý và ông Tích đã lập hợp đồng giả để xuất bán quặng titan ra nước ngoài với số lượng lớn nhưng không rõ đối tác. Theo kết quả giám định 39 bộ hồ sơ của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, có 2 bộ không hợp lệ và 37 bộ bị làm giả. Ông Long khẳng định với hành vi này, mẹ con bà Lý đã trốn thuế khoảng 48 tỉ đồng, trong đó giá trị kê khai xuất khẩu là 5,7 triệu USD nhưng thực tế đến 21 triệu USD…
“Về hợp đồng trong nước, theo báo cáo của ông Tích, từ năm 2009 đến cuối tháng 11-2012, công ty khai thác 112.599 tấn quặng titan tại suối Nhum với doanh thu 162,2 tỉ đồng, tương đương giá bán bình quân 1,441 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, qua thẩm định thì đơn giá bán quặng titan cao hơn 6-9 triệu đồng/tấn. Doanh thu trốn thuế để thu lợi bất chính của bà Lý và ông Tích là hàng trăm tỉ đồng” - ông Long phân tích.
Ngoài ra, ông Long còn có bằng chứng cho thấy ông Tích và bà Lý đã ký nhiều hợp đồng “ma” tại Hải Phòng để mua bán quặng nhằm trốn thuế và buôn lậu sang nước ngoài. Theo đó, ký hợp đồng mua bán với Công ty TNHH TM-DV Đông Quân với giá chỉ 800.000 đồng/tấn, trong khi giá thị trường là 6 triệu đồng/tấn. Làm việc với Bộ Công an, bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Công ty Đông Quân, hoàn toàn không biết gì về những thương vụ này!
Thỏa thuận hỗ trợ, đền bù thiệt hại Dù đã cố gắng thu gom nhưng do lực lượng công nhân quá ít nên dọc theo Tỉnh lộ 719, lượng bùn thải vẫn còn kéo dài hơn 1 km. Hai vị trí bị lóng bùn trên bãi biển Thuận Quý cũng chưa được xử lý. Lãnh đạo Công ty CP ĐTKS-TM Bình Thuận cho biết đã thỏa thuận đền bù cho người dân bị cuốn trôi xe máy, thống nhất phương án hỗ trợ nạo vét bùn với chủ đầu tư Khu Du lịch Tiến Phú và 2 hộ dân bị ảnh hưởng do bùn tràn. |
Bình luận (0)