xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VŨNG TÀU: Bạch Dinh trên đường ... lòe loẹt, rẻ tiền

Chi Lăng - Đình Nhi

Bạch Dinh là công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19, đồng thời là danh thắng nổi tiếng gắn liền với sự hình thành và phát triển của TP Vũng Tàu, được Bộ VH-TT công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Một dự án trùng tu tôn tạo khu di tích này với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỉ đồng đang được thực hiện gây ra không ít băn khoăn trong giới chuyên môn và cả du khách, bởi “những kiến trúc mới” đã làm Bạch Dinh có trên 100 năm tuổi trở nên rẻ tiền.

Khu Di tích Bạch Dinh nằm ở phía Nam Núi Lớn - TP Vũng Tàu, là một tòa nhà lớn có 3 tầng, trên nền pháo đài Phước Thắng cổ xưa của triều Nguyễn, cao khoảng 28 m so với mực nước biển. Ngoài kiến trúc độc đáo và những bức tượng bán thân mang phong cách của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, bên trong tòa nhà còn bài trí những hiện vật cổ xưa rất giá trị.

Bê tông... để tăng thu ngân sách!

Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), cho biết: Bạch Dinh được khởi công xây dựng vào năm 1898 (cùng thời với những kiến trúc tầm cỡ như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà và Nhà hát Lớn Sài Gòn). Ngoài việc được xây dựng dùng làm nơi nghỉ ngơi cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Bạch Dinh còn nằm trong kế hoạch phòng thủ vững mạnh của người Pháp tại Vũng Tàu. Không riêng gì Paul Doumer, các đời toàn quyền Đông Dương sau đó vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Theo thời gian, Khu Di tích Bạch Dinh xuống cấp nên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh BR-VT đã lập dự án trùng tu - tôn tạo. Đây là việc làm cần thiết với một kiến trúc cổ, nhưng với hàng loạt các hạng mục công trình “bê tông cốt thép” đang được thực hiện nhằm “nâng cao tuổi thọ cho Bạch Dinh và góp phần tăng thu nhập cho ngân sách tỉnh” – như trình bày của chủ đầu tư trong tờ trình xin tăng kinh phí từ 2,3 tỉ lên 3,5 tỉ đồng - đã làm cho quần thể kiến trúc có bề dày lịch sử trên 100 năm này trở nên “rẻ hóa” và lạc lõng.

“Làm mới” cho kiến trúc cổ

Một trong những kiến trúc đang được xây mới tại Khu Di tích Bạch Dinh gây nhiều tranh cãi là... cổng chính. Kết cấu bê tông cốt thép kết hợp xây gạch, có hình dáng “hao hao” như Khải Hoàn Môn ở Pháp, nhưng bên trên lại có thêm một cuốn thư mang phong cách Trung Hoa ở giữa. Nghe đâu sau khi hoàn tất, cánh cổng sẽ có hình trống đồng Đông Sơn và phía sau là dòng chữ: Vì một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp đến là các công trình như nhà bảo vệ, nhà bán vé, nhà khách, nhà dừng chân, nhà dịch vụ văn hóa v.v... cũng được xây mới trên nền của những kiến trúc cũ vừa bị đập bỏ không thương tiếc. Dự tính, những công trình này sẽ được làm chung “công thức”: cột  và dầm bê tông cốt thép, tường gạch, mái lợp ngói.

Theo một số nhà nghiên cứu, nguyên gốc cổng chính của Bạch Dinh xưa kia không “nặng” như hiện nay mà có đường nét của kiến trúc Roman cận đại dành cho biệt thự vườn, không có phần mái ngang bên trên và rất hài hòa với tổng thể không gian chung quanh. Còn những ngôi đang được xây mới, phần lớn nằm trên nền các ngôi nhà cũ vừa bị đập bỏ vốn là một phần hợp thành di tích, cũng góp phần không nhỏ làm cho tòa Bạch Dinh trở nên xa lạ giữa các kiến trúc nửa kim – nửa cổ. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người băn khoăn hơn cả là phần việc trùng tu, chống xuống cấp tòa Bạch Dinh. Bỏ qua những màu sắc lòe loẹt nhằm “đánh bóng” cho nội thất, riêng việc dùng sơn nước thay cho vôi để “làm mới” lại toàn bộ tòa nhà cũng đã đánh mất đi nét rêu phong vốn có của một kiến trúc cổ. Điều đáng nói nữa là, chỉ mới đưa vào sử dụng thử được vài tuần, nhiều mảng tường đã bị bong tróc do cạo không kỹ lớp vôi cũ trước khi lăn sơn. Ngoài những hạng mục công trình kể trên, trong đợt trùng tu này còn có các hạng mục khác như: Xây mới 3 tuyến đường đi bộ, sân đỗ xe, hàng rào, điện, nước, cây xanh v.v... Nhưng tất cả cũng đã và đang được “rẻ hóa” với những vật liệu có sẵn trên thị trường, thay vì tìm cách phục chế nguyên trạng một cách tỉ mỉ.

Với một công trình kiến trúc nghệ thuật đã tồn tại hơn một thế kỷ thì việc trùng tu là cần thiết nhưng đòi hỏi phải có thời gian, sự nghiên cứu, đánh giá và suy luận trên nguyên tắc khoa học mới có thể phục chế được, thay vì can thiệp một cách “thô bạo” và xem thường lịch sử như hiện nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo