Bao nhiêu năm nay, dù nắng hay mưa, hễ có nhà báo cần tìm thông tin viết bài về môi trường, ông Trần Văn Ước (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM) lại xung phong dẫn đi. Tôi là một trong số những nhà báo may mắn gặp và được ông giúp đỡ tận tình.
Bị bắt giam 8 tháng
Leo lên “con ngựa sắt”, giữa trưa nắng chang chang, ông phóng nhanh chở tôi đến nhà các hộ dân có người mắc bệnh ung thư sống các ấp quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh. Đến nhà nào, ông cũng được chào đón như người thân vì họ biết “chú Ước làm việc có ích”.
Ông Cao Tấn Sỹ, bệnh nhân bị ung thư tuyến yên và ung thư sọ hầu, mếu máo: “Sao nhà báo viết hoài mà chẳng có thay đổi gì vậy chú?”. Câu hỏi khiến chúng tôi đắng lòng. Ông Ước quay sang tôi, nói: “Cả xã Đông Thạnh có nhiều người chết vì bệnh ung thư, chưa kể rất nhiều người đang mắc bệnh khiến gia đình điêu đứng, tán gia bại sản. Tôi cứ dẫn hết nhà báo này đến nhà báo nọ đi, chỉ mong góp một tiếng kêu cứu từ xóm ung thư này.
Những cư dân sống quanh bãi rác Đông Thạnh với bán kính 4-5 km, đa số sử dụng nước giếng khoan sâu vài chục mét trong nhiều năm, việc ảnh hưởng sức khỏe là đương nhiên”. Nói rồi, ông chỉ tay về đồi rác đang mọc xanh cỏ, buồn bã: “Đồi rác xanh um, đời người quanh bãi rác thì héo úa”.
Ông Trần Văn Ước bức xúc về cái ao sâu gây ô nhiễm
Bãi rác Đông Thạnh hoạt động từ 1988 đến năm 2002 chính thức đóng cửa vì ô nhiễm. Trong khoảng thời gian đó, cũng như những người dân sống quanh bãi rác phải chịu mùi hôi đến từ nước rỉ rác, ông Ước vác đơn đi khắp nơi kêu cứu.
Cũng vì quá “mạnh miệng”, tháng 10-1999, ông bị bắt giam vì tội vu khống, phá rối trật tự. Kỳ lạ là trong thời gian bị giam, ông Ước vẫn được hưởng lương và đóng Đảng phí đầy đủ (ông Ước là thiếu tá thuộc T67 của Quân khu 7 - PV). Sau 8 tháng, ông được thả ra với lý do “bệnh tâm thần”. “Tôi không bệnh tâm thần và đang sống rất tốt, họ nói tôi tâm thần nên trong thời gian bị bắt giam, họ làm cho tôi sổ hưu và buộc phải nhận mức lương hưu rất thấp từ tháng 12-1999” - ông Ước buồn bã nói.
Trở về nhà, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học, ông bắt tay làm mắm tép, mắm cá cơm bán cho các quán ăn, chợ nhỏ, rồi về quê Tây Ninh mua thịt bò bỏ mối cho các quán ăn ở TP HCM.
Đau đáu nỗi lo môi trường
Vài năm trở lại đây, sau một thời gian đóng cửa, bãi rác Đông Thạnh được cho phép xây lò xử lý rác thải y tế và bùn hầm cầu, ông Ước lại tiếp tục kêu cứu về vấn đề môi trường và dẫn nhà báo đi khắp nơi khi cần thiết.
“Họ nói xử lý quy trình khép kín nhưng người dân vẫn thấy mùi hôi và khói đen. Quanh bán kính 2 km là Trường Tiểu học Trần Văn Danh, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến và hàng trăm hộ dân, ngày ngày vẫn sinh hoạt, ăn uống bằng nguồn nước giếng” - ông Ước lo lắng.
Cầm trên tay tờ báo có thông tin về vụ án ông Nguyễn Văn Khỏe (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn), ông Ước cho biết: “Điều tôi trăn trở là đến nay vụ tiêu cực tại khu đất công sử dụng làm bãi rác và trồng cây xanh diện tích hơn 1 triệu m2 vẫn chưa rõ ràng”. Thời điểm bắt nguyên chủ tịch huyện vì tội lạm dụng chức quyền, rất nhiều người dân xã Đông Thạnh tán thành, trong đó ông Ước là người mạnh dạn cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài.
Dẫn tôi đến cái ao rộng gần 2.000 m2 bị đào sâu vài chục mét đất nằm sát bãi rác Đông Thạnh, ông Ước bức xúc: “Nhìn như cái hàm cá mập. Người ta sợ trẻ con, người lớn té ao nên rào lại. Bây giờ, muốn lấp cái ao này phải tốn hơn 300 tỉ đồng, tiền đâu nhà nước bỏ ra. Trong khi đó, những người đứng đầu UBND xã thời đó dưới sự đỡ đầu của ông Tám Khỏe đã chấp thuận cho móc gần 1 triệu m2 đất với độ sâu từ 15-20 m.Thời điểm đó, mỗi ngày có hàng trăm xe tải ra vào chở với giá 200.000 đồng/xe, số tiền bán đất thu về không dưới 150 tỉ đồng, rơi vào túi các cá nhân”.
Vẫn bức xúc, ông Ước nói với tôi: “Hậu quả còn đó nhưng chẳng thấy ai đứng ra khắc phục. Không lẽ cứ để cái ao sâu rất nguy hiểm này tồn tại mãi? Thật xót lòng”.
Nỗi đau còn đó
12 năm trôi qua, vụ án anh Đặng Vũ Thắng (nguyên Phó Phòng Kế toán của Thảo Cầm Viên Sài Gòn) bị người tình của giám đốc thuê người sát hại do tố cáo tiêu cực trong xây dựng các vườn thú vẫn như vết dao cứa sâu vào da thịt những người thân của anh. Bà Trần Thị Hành, mẹ anh Thắng, buồn bã nói: “Vụ án qua lâu rồi nhưng nhắc lại vẫn thấy đau lắm... Bản án tòa tuyên cho những kẻ sát hại con mình, gia đình chúng tôi bằng lòng và không vướng bận gì. Chỉ thương vợ và 2 con của Thắng. Sau khi Thắng mất, vợ nó xin phép dẫn 2 con về sống bên ngoại cho đỡ tủi, thỉnh thoảng mấy mẹ con về đây thắp nhang cho Thắng. Ngày ấy, Thắng mất đi, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người chống tiêu cực và ngươi thân chưa đầy đủ, vợ con Thắng lao đao vì mất đi trụ cột gia đình. Vợ Thắng phải làm 2-3 việc, đầu tắt mặt tối để có tiền nuôi mẹ già và 2 con ăn học thành tài. Hiện đứa lớn học năm thứ 2 của Trường ĐH Sài Gòn, đứa nhỏ học lớp 9. Khó khăn vẫn chồng chất... Dẫu vậy, các con của Thắng luôn tự hào về cha mình”. |
Bình luận (0)