Hơn 200 đại biểu là các học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo “Biển Đông hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” diễn ra ngày 11-11 tại Hà Nội do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Đoàn kết, nâng vai trò của ASEAN
Tại phiên khai mạc, ông Nyan Lynn, Phó Tổng Thư ký ASEAN, đã chuyển thông điệp của Tổng Thư ký Lê Lương Minh đến hội thảo: “Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy các bên giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Đánh giá về vai trò của ASEAN, TS Wilfrido Villacorta (người Philippines) cho rằng tổ chức này rất quan trọng trong việc đi đến một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp trên biển Đông. ASEAN đủ lực để chống đỡ trước bất cứ áp lực bên ngoài nào, đồng thời khẳng định không bên nào được lợi nếu khối này chia rẽ.
“Chiếc cốc lòng tin đầy một nửa”
TS Termsak Chalermpalanupap, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho biết đang có những dấu hiệu tích cực trong xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc. Hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong việc thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên (DOC). Trung Quốc cũng đồng ý tham vấn chính thức về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vào tháng 9 năm nay. “Chiếc cốc lòng tin đã đầy một nửa” - ông Chalermpalanupap nói.
Dù vậy, theo các đại biểu, chính thái độ của Trung Quốc gây thêm căng thẳng ở biển Đông. Có hàng chục năm nghiên cứu về biển Đông, GS Clive Symmons đến từ Khoa Luật - Trường ĐH Trinity (Ireland) chỉ rõ “đường chín đoạn” của Trung Quốc rất mập mờ về cơ sở pháp lý. “Ban đầu, Trung Quốc chỉ áp dụng giới hạn này cho tàu cá, sau đó gom luôn tài nguyên ở đáy biển trong phạm vi 200 hải lý quanh quần đảo Trường Sa. Tôi nghĩ đây là diễn biến tiêu cực đối với quá trình giải quyết tranh chấp trên biển Đông” - GS Symmons bình luận.
TS Chalermpalanupap nhấn mạnh không một cường quốc nào có quyền áp đặt nước khác và kêu gọi Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với những thay đổi về hiện trạng tranh chấp ở biển Đông. Giám đốc Học viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông của Trung Quốc, bà Li Jianwei, thừa nhận giải quyết các vấn đề về nghề cá ở khu vực này đặc biệt khó khăn. Mới đây, việc Trung Quốc và Việt Nam thiết lập đường dây nóng về khai thác trên biển cho thấy đây là một bước tiến triển tích cực.
Bình luận (0)