Ngày 2-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước.
Cần ra nghị quyết “thắt lưng buộc bụng”
Theo đại biểu (ĐB) Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), ngư dân ở Đà Nẵng, Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang cần rất nhiều tàu sắt, tàu hậu cần. “Các tàu này sẽ cung cấp thực phẩm, nước và mua cá giúp ngư dân, không phải chạy ra chạy vào nữa. Việc ấy cũng giúp ngư dân bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa được tốt hơn” - ông Tùng nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đồng tình với việc Chính phủ dành 16.000 tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa, để đầu tư cho cảnh sát biển, kiểm ngư đang ngày ngày bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Để có thêm nguồn, ĐB Đương đề nghị tạm dừng những dự án chưa thật sự cần thiết và QH, Chính phủ cần có nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương tài chính. “Tôi hứa đến hết nhiệm kỳ này nếu trời để sống tôi sẽ không đi nước ngoài. ĐBQH rơi nước mắt khi nghĩ về vận nước là đúng nhưng cần cụ thể hóa đóng góp của mình bằng việc đồng lòng ra nghị quyết của kỳ họp về sự xâm lấn của Trung Quốc” - ĐB Đương thẳng thắn.
Tán đồng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM - ĐB Trần Du Lịch - đề nghị QH phải nêu rõ vấn đề giàn khoan 981 và tác động của hành động xâm lấn của Trung Quốc đến KT-XH và QH cần ra nghị quyết “thắt lưng buộc bụng” dồn nguồn lực cho phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền.
Thoát lệ thuộc bằng các hiệp định kinh tế
Tại phiên thảo luận, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, Trần Quốc Tuấn, Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị)… cùng đề nghị Chính phủ có kế sách, kịch bản thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc, khởi động ngay trong năm 2014.
“Chính phủ cần quan tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có biện pháp chủ động trong tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu, đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép, phong tỏa nền kinh tế để buộc Việt Nam phải nhượng bộ” - ĐB Huỳnh Nghĩa chia sẻ.
Trước hàng loạt ý kiến đề nghị có kịch bản kinh tế “thoát Trung”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng làm rõ hoạt động thương mại, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, những tác động do tình hình biển Đông và giải pháp sắp tới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2013, cả nước xuất khẩu được 133 tỉ USD, 5 tháng đầu năm 2014 xuất siêu 1,6 tỉ USD. Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu trên 180 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang là đối tác quan trọng khi năm 2013, xuất khẩu sang thị trường này chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu (hơn 10 tỉ USD); còn nhập khẩu chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013, tương đương 30 tỉ USD.
Theo ông Vũ Huy Hoàng, từ nhiều năm trước, Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Thời gian qua, giữa Chính phủ, các bộ - ngành, doanh nghiệp của 2 bên đã thực hiện rất nhiều biện pháp. Trong năm 2013 đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo. “Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, đương nhiên do quy mô tương đối lớn cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trấn an.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng thông tin Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế. Các đối tác lớn đều quan tâm đến Việt Nam và rất nhiều khối kinh tế, kể cả Liên hiệp châu Âu (EU), các nước châu Á - Thái Bình Dương đều muốn đàm phán và thỏa thuận các hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam. Ngoài ra, các đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định với Liên hiệp châu Âu (EU), với Liên minh Thuế quan Nga, Belarus và Kazakstan, hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã và đang thực hiện.
“Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đúng vào thời gian diễn ra kỳ họp QH thứ 7, QH khóa XIII đã thử thách tấm lòng trung kiên của từng ĐBQH và cả QH. Chúng ta dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước; dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh”.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa)
Nên lập đồn công an trong các KCN
Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, từ các cuộc biểu tình tự phát ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh cho thấy công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú ở nhiều nơi còn lỏng lẻo. Thậm chí, nhiều KCN có số lượng lao động khá lớn nhưng không đăng ký cư trú, trong đó có cả lao động người nước ngoài không phép. ĐB Nga đề xuất QH cần xem xét kỹ vấn đề này khi làm Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trước mắt đề nghị Chính phủ thành lập thêm các đồn công an ở những KCN.
Bình luận (0)