Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, xe buýt giả (kẻ vạch, sơn màu, gắn số hiệu như xe buýt thật để lừa khách, thậm chí còn hành hung nhân viên xe buýt thật để giành khách) từng gây náo loạn tại tỉnh Đồng Nai một thời gian dài. Gần cuối năm 2013, tình trạng này tái diễn nhưng các đơn vị chức năng vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Có mặt nhiều nơi
Đầu tháng 11-2013, chúng tôi có những buổi khảo sát trên các tuyến quốc lộ 1, 51, 20 đoạn đi qua khu vực tỉnh Đồng Nai và liên tục chứng kiến xe buýt giả lộng hành tại đây.
Một chiếc xe buýt giả rảo tìm khách trên Quốc lộ 1, đoạn qua Đồng Nai
Từ trên xe, một phụ xe lao vọt xuống, miệng liến thoắng: “Buýt đây! Xe nào chẳng là buýt, bảo đảm đi đến nơi về đến chốn”. Nói rồi, thanh niên này kéo một cụ bà tay xách nách mang đang đứng xớ rớ bên đường lên xe.
Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy chiếc xe này mang biển số TP HCM, kẻ vạch, sơn màu xanh trông giống hệt xe buýt thật. Phía trước xe còn gắn miếng mica ghi số 11 (số hiệu tuyến xe buýt Biên Hòa - Vũng Tàu), thậm chí nhân viên cũng mặc cả đồng phục. Tuy nhiên, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất để khẳng định đây là xe buýt dỏm là nó không ghi lịch trình các tuyến cụ thể phía bên hông.
Tại ngã tư Amata trên tuyến Quốc lộ 1, chúng tôi bắt gặp cảnh một cô gái vừa bị đẩy từ trên chiếc xe khách màu xanh xuống đường. Cô bức xúc: “Em lên nhầm xe, tưởng là xe buýt, ai ngờ xe dù. Vì giá vé cao quá, em không chịu đi nên nhân viên nhà xe đẩy xuống đây”. Theo cô gái, xe dù hay xe buýt đều có lượng khách riêng. Tuy nhiên, cô chỉ muốn sử dụng xe buýt chứ không thể bị lừa đi xe dỏm.
Qua nhiều ngày khảo sát, chúng tôi nhận thấy xe buýt giả có mặt nhiều nơi. Xe buýt giả không cần đón khách đúng điểm dừng đỗ, có thể chạy lòng vòng không phụ thuộc thời gian. Khi xe buýt thật dừng đón khách, xe buýt giả cũng lao vào tranh giành.
“Người của xe buýt giả nhiều lần chửi bới, hăm dọa, thậm chí hành hung nhân viên xe buýt thật để dằn mặt và sẵn sàng “đua tốc độ” để hớt khách. Họ xưng là xe buýt, gắn tấm biển bằng mica ghi số hiệu ở phía trước để khách tưởng là xe buýt thật. Nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra, họ tháo xuống ngay, trong khi xe buýt thật thì in số tuyến cố định” - một tài xế xe buýt cho biết.
Xử lý: “Khó lắm”!
Cùng thời điểm chúng tôi khảo sát, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng mở nhiều đợt ra quân để chấn chỉnh tình trạng xe buýt giả lộng hành. Theo Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai (thuộc Sở GTVT tỉnh), trung tâm này vừa xác định khoảng hơn 20 xe buýt giả hoạt động trên các tuyến quốc lộ 1, 20, 51 và đang phối hợp các đơn vị liên quan để xử lý rốt ráo. Các xe này chủ yếu mang biển số TP HCM, hầu hết xuất phát từ khu vực Bến xe Miền Đông hoặc trả khách tại đây.
Bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, thừa nhận việc giải quyết tình trạng xe buýt giả trong những năm qua chỉ mới mang tính chất “thời vụ” chứ chưa có biện pháp căn cơ, triệt để. Theo bà Ty, để thực hiện đúng chủ trương của nhà nước - ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng - thì phải giữ được môi trường này “trong lành”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy vẫn có nhiều chuyện bất cập.
“Với nạn xe buýt giả, dù chúng tôi đã ghi lại hình ảnh, thu thập chứng cứ rồi phối hợp với các đơn vị chức năng đề xuất phương án xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thể có biện pháp giải quyết triệt để được. Ngoài ra, một số xe dù nhái xe buýt để lợi dụng là ở ngoài tỉnh Đồng Nai nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn” - bà Ty giải thích.
Xe buýt thật cũng vi phạm Ông Lê Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, cho biết 9 tháng đầu năm 2013, trung tâm đã ra quyết định xử phạt 126 lượt xe buýt thu quá giá vé quy định, phạt hơn 100 xe chạy quá tốc độ. Ngoài ra, trung tâm còn đình chỉ 18 xe vì nhiều lần vi phạm các lỗi nêu trên. Tổng số tiền phạt là trên 70 triệu đồng. |
Bình luận (0)