Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 29-9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam cho biết ông vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế ban hành ngay danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, làm cơ sở để Bộ Tài chính quản lý giá mặt hàng quan trọng này.
Trả lời câu hỏi của báo chí về đánh giá của Chính phủ trước hiện tượng Bộ Y tế, Bộ Tài chính đổ lỗi cho nhau trong công tác quản lý giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thẳng thắn: Rõ ràng là quản lý không tốt. Từ trước đến nay, Bộ Y tế chỉ có thông tư liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống. Như vậy, vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra chặt chẽ, không thể để sản phẩm sữa cho trẻ em bị làm giá. Thời hạn Bộ Y tế phải công bố danh mục này là ngày 5-10.
Về hiện tượng thao túng giá sữa, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Quan điểm của Chính phủ là phải có thái độ nghiêm túc đối với vi phạm này. Đối với các doanh nghiệp sữa đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giá, khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Về đề xuất tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam cho rằng nếu tăng quá cao sẽ khiến sức hút đầu tư của Việt Nam giảm đi. Do đó, điều chỉnh lương phải rất cân đối, hài hòa.
Theo Chủ nhiệm VPCP, mức đề nghị của các bộ, ngành là tăng lương từ 14%-15%. Hiện nay, trong tổng thu ngân sách có 15% trả nợ, 20% chi đầu tư phát triển. 65% còn lại là chi thường xuyên, trong đó khoảng một nửa là chi lương cho các đối tượng hưởng từ ngân sách. “Có sức ép rất lớn nếu tăng lương cao. Doanh nghiệp tăng lương cao quá sẽ không còn sức cạnh tranh. Lương hưởng từ ngân sách tăng cao thì ngân sách không có khả năng” - Bộ trưởng phân tích.
Khách quan, công khai đối với thủy điện Đồng Nai 6 và 6A Về nguyên nhân xem xét đưa 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết khi xây dựng thủy điện, vấn đề quan trọng nhất là lo tái định cư rồi mới tính đến chuyện môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội. Trên cơ sở phân tích tác hại đến môi trường, công tác bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên..., Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy hoạch thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đưa ra ý kiến một cách khách quan, trung thực, không chịu bất kỳ sức ép nào. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương không chỉ xem xét lại mà xem xét đưa ra ngoài quy hoạch 2 thủy điện này. Nếu dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì làm, không thì không làm. |
Bình luận (0)