Từ kỳ họp QH tháng 8-2011, QH khóa XIII đã bắt đầu xem xét việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012), Dự thảo đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2-1 đến ngày 31-3, sau đó kéo dài đến tháng 9-2013. Để hoàn thiện lần cuối bản Dự thảo, từ 10 ngày trước, tại kỳ họp thứ 6 này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Ủy ban) đã đề nghị các vị ĐBQH nghiên cứu, sửa trực tiếp và cho ý kiến về một số nội dung của Dự thảo. Từ đó, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo trình QH thông qua ngày 28-11.
Quy định trách nhiệm của Đảng
Tiếp thu ý kiến của nhân dân và ĐBQH, Dự thảo đã bổ sung vào điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Với các thành phần kinh tế, Ủy ban cho rằng để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế đất nước, việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Dự thảo. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.
Chỉ thu hồi đất vì lợi ích quốc gia
Đáng chú ý, đa số ý kiến đồng ý với quy định tại điều 54 của Dự thảo. Đồng thời có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
ĐBQH đều nhất trí việc tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp hiện hành về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; có quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính.
Làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước
Hiến pháp mới giao QH với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu ý dân. Ủy ban đề nghị QH cho giữ quy định “việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của QH và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.
Với nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước, Dự thảo đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với QH, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ tuyệt đại đa số ý kiến tán thành với quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của QH. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo cũng chỉnh lý theo hướng phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước…
Thông qua vốn trái phiếu 170.000 tỉ đồng Chiều 28-11, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Theo nghị quyết, tổng mức phát hành và cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là 170.000 tỉ đồng để đầu tư 4 nhóm dự án, công trình sau: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 61.680 tỉ đồng; các dự án dở dang đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 sau khi đã rà soát nhưng còn thiếu vốn là 73.320 tỉ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 15.000 tỉ đồng; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA là 20.000 tỉ đồng. Căn cứ vào tổng mức phát hành trung hạn đã được QH quyết định cho giai đoạn 2014-2016, Chính phủ thực hiện mức phát hành trái phiếu Chính phủ hằng năm theo tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn trên. N.Quyết |
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng:
Chắt lọc tinh hoa
Bản Hiến pháp đã tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ và kết quả quá trình làm việc cần mẫn tâm huyết, tận tụy của QH, đồng bào cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiến pháp đã thể hiện được tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Chúng tôi cũng hiểu rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và một số vị ĐB cũng còn ý kiến khác ở một số điều, khoản. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số nhân dân và ĐBQH đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Bước tiến của đất nước
Hiến pháp sửa đổi lần này là bước tiến quan trọng của đất nước, đã phân định rõ được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp so với Hiến pháp hiện nay và kiểm soát lẫn nhau. Đáng chú ý, Hiến pháp sửa đổi đã nhấn mạnh Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Bởi vì Đảng lãnh đạo nhà nước, xã hội thì phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo. Nếu như quyết định không đúng, quyết định ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc. Đó là điểm rất mới. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH: Nâng tầm quyền con người
Lần sửa đổi này đã nâng tầm quan điểm của Hiến pháp đối với những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân ở những vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội. Chẳng hạn, chúng ta đã đưa ra được tuyên ngôn về vấn đề an sinh xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân, vấn đề học tập tối thiểu, những chính sách cho người có công, người cao tuổi, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Riêng lĩnh vực của tôi, tôi cảm thấy yên tâm đối với những điều mà Hiến pháp đã xem xét sửa đổi, sắp xếp lại và là căn cứ để sau này ban hành những văn bản pháp luật có liên quan. Ông Nguyễn Xuân Thơm, Người dân ngụ phường 12, quận 4, TP HCM: Tạo sự công bằng xã hội
Tôi rất vui mừng khi bản Hiến pháp thông qua lần này thể hiện ý kiến của nhân dân đã được tập hợp đầy đủ, chính xác; được lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu. Không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế của Hiến pháp hiện hành. Rõ ràng nhất là Hiến pháp lần này nêu rõ chỉ thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều này tôi rất tâm đắc vì sẽ tạo sự công bằng, lòng tin trong nhân dân; tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện. TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Qh: Hiến pháp của nhân dân
Khi thừa nhận trong Hiến pháp nhân dân là chủ thể quyền lực của nhà nước, trong đó có quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh quy định trong chương II, chương III, tại điều 52, khoản 2 cũng quy định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ tạo điều kiện để phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Hiến pháp mới không quy định cơ quan chuyên trách độc lập nhưng theo tôi, sau này cũng nên có bộ phận có thể trực thuộc Ủy ban Pháp luật của QH chuyên theo dõi thực thi hiến pháp để bảo đảm, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi hiến.
T.Dũng - T.Kha - P.Anh |
Bình luận (0)