Ngành y tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc rúng động song chưa vụ nào khiến dư luận phẫn nộ như vụ này. Người dân cả nước đã biết tới những vụ “làm tiền trên cơ thể người bệnh” hay tắc trách, vô trách nhiệm… khiến người bệnh chết oan uổng, tức tưởi nhưng thất đức, vô đạo tới mức mang xác nạn nhân đi phi tang thì không ai tưởng tượng nổi. Vết trượt y đức xuống tới mức này thì còn vượt xa mọi báo động mạnh mẽ nhất.
Đạo đức quan trọng, giá trị như vậy với ngành y mà sao y đức nước ta hiện nay lại trượt tới mức “bác sĩ phi tang xác nạn nhân”? Do trách nhiệm hay đồng tiền làm tha hóa? Đã có rất nhiều ý kiến quy kết do đồng tiền. Điều đó không sai song chưa đủ.
Để y đức trượt dài tới mức “đáng báo động rất lớn”, lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ yếu là do quản lý lỏng lẻo, yếu kém, không nghiêm. Biết bao vụ việc nhức nhối, bức xúc xảy ra trong ngành y tế thời gian dài nhưng việc xử lý du di, không tới nơi tới chốn và người đứng đầu không phải chịu trách nhiệm gì.
Điệp khúc “sản phụ chết do thuyên tắc ối” cứ lặp đi lặp lại với nhiều vụ sản phụ tử vong rồi mang tiền tới “hỗ trợ mai táng” làm dư luận phẫn nộ. Hay việc tố cáo tiêu cực nghiêm trọng tại Bệnh viện Hoài Đức (TP Hà Nội) bị ém nhẹm cho tới khi báo chí phanh phui mới xử lý, tù mù nguyên nhân trách nhiệm trẻ tử vong khi tiêm vắc-xin… càng cho thấy chính quản lý yếu kém đã đẩy y đức trượt dài.
Vực dậy y đức, vì thế phải nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý, trước hết của Bộ Y tế và “tư lệnh” Nguyễn Thị Kim Tiến. Cần phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc trách nhiệm quản lý mà quan trọng nhất là người đứng đầu mỗi khi để xảy ra bất cứ sự cố, bê bối nào trong ngành y.
Y đức còn trượt tới đâu? Điều này phụ thuộc vào chính Bộ Y tế và cá nhân Bộ trưởng.
Bình luận (0)