Ngày 28-5, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Phản đối quan điểm vô lý của Trung Quốc
Thư cho biết Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là thuộc vùng biển của cái gọi là “quần đảo Tây Sa”. Việt Nam một lần nữa khẳng định “quần đảo Tây Sa” chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực vào năm 1974. Vì thế, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Văn kiện nêu trên đồng thời phản đối quan điểm của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại “vùng biển tranh chấp”. Việt Nam khẳng định quan điểm này của Trung Quốc được đưa ra mà không căn cứ vào cơ sở pháp lý nào. Công hàm của Việt Nam khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên Hiệp Quốc đề nghị Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngày 29-5, phái đoàn đã ra thông cáo báo chí về vụ việc trên.
Trong khi đó đó, ngày 30-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) về tình hình kinh tế -xã hội Việt Nam 5 tháng đầu năm 2014 và vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình và Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này.
Tiếp tục căng thẳng
Chiều 31-5, Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong ngày, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 không có sự dịch chuyển so với hôm qua.
Trung Quốc vẫn đang duy trì từ 120-125 tàu các loại ở quanh khu vực giàn khoan, huy động 3 máy bay, trong đó máy bay cánh bằng bay ở độ cao 150-200 m và máy bay chiến đấu bay 2 lần quanh khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 1.500 m.
Tàu cá Trung Quốc tập trung lực lượng lớn 45-50 chiếc liên tục vây ép, không cho ngư dân ta tổ chức đánh bắt cá, đặc biệt ở vị trí cách giàn khoan 20-25 hải lý.
Ngành y tế cùng ngư dân bám biển
Sáng 31-5, tại đảo Lý Sơn, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ đạo Quốc gia về y tế biển đảo tổ chức lễ phát động chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển”. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành với tình cảm và trách nhiệm của mình hưởng ứng tích cực, hiệu quả các nội dung chương trình đồng hành cùng ngư dân bám biển.
Sau lễ phát động, Bộ Y tế tặng 300 tủ thuốc và dụng cụ y tế cấp cứu ban đầu cho 300 tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân huyện đảo Lý Sơn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 500 người dân; mổ mắt miễn phí cho 50 người cao tuổi; tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn sơ cứu ban đầu do tai nạn, thương tích cho ngư dân; khảo sát khả năng đáp ứng về y tế phục vụ cho ngư dân bám biển; phòng chống dịch bệnh và điều trị, chăm sóc ngư dân khi có tai nạn, thương tích… T.Trực
Bình luận (0)