Học viện Khoa học Xã hội (KHXH) thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam được giao đào tạo 36 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 36 chuyên ngành trình độ tiến sĩ (TS).
"Ôm" giáo sư của toàn Viện Hàn lâm KHXH
Năm 2015, học viện có đội ngũ giảng viên cơ hữu theo báo cáo tự kê khai gồm: 21 giáo sư (GS), 152 phó giáo sư (PGS), 3 TS khoa học và 160 TS. Học viện tự xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo trình độ TS là 350 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.600 chỉ tiêu.
Bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội Ảnh: YẾN ANH
Năm 2016, đội ngũ giảng viên cơ hữu tự kê khai của học viện gồm: 19 GS, 197 PGS, 196 TS. Học viện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TS 400 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ 1.600 chỉ tiêu. Năm 2017, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo tự kê khai của học viện để xác định chỉ tiêu gồm: 21 GS, 184 PGS, 249 TS. Học viện đăng ký trình độ TS là 450 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.740 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đội ngũ giảng viên cơ hữu được học viện kê khai để xác định chỉ tiêu tuyển sinh bao gồm các cán bộ nghiên cứu của toàn Viện Hàn lâm KHXH (gồm cả cán bộ của Học viện KHXH và cán bộ của các viện, các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH). Tại tháng 1-2017, Viện Hàn lâm KHXH có 21 GS, 174 PGS và 258 TS. Cùng thời gian này, đội ngũ giảng viên của Học viện KHXH chỉ có 7 PGS và 17 TS.
Chương trình đào tạo không bảo đảm yêu cầu
Về tổ chức, quản lý đào tạo, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiểm tra xác suất 2 hồ sơ thành lập hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ năm 2016 ngành quản lý giáo dục. Kết quả cho thấy PGS-TS Trần Minh Tuấn (ngành kinh tế học), GS-TS Vũ Văn Dũng (ngành tâm lý học), PGS-TS Nguyễn Thị Mai Lan (chuyên ngành tâm lý học), PGS-TS Trần Thị Minh Hằng (ngành tâm lý học) không đủ điều kiện tham gia hội đồng (không cùng ngành/chuyên ngành với học viên) theo quy định.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cho biết qua kiểm tra cho thấy số lượng nghiên cứu sinh (NCS) đang hướng dẫn tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định tại điều 25 Quy chế đào tạo trình độ TS ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT).
Kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành luật, ngành chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá số lượng quy định. Một trường hợp được giao hướng dẫn 44 học viên của 3 ngành khác nhau. Một số trường hợp khác hướng dẫn cùng lúc 18, 11, 10 hoặc 9 học viên. Trong khi theo quy định có hiệu lực vào thời điểm đó, người có chức danh GS được hướng dẫn tối đa cùng lúc 7 học viên. Với PGS hoặc TS thì số lượng học viên được hướng dẫn còn ít hơn.
Trong đào tạo TS cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Tại một thời điểm có người có học hàm GS cùng hướng dẫn 12 NCS, PGS hướng dẫn 9 NCS, TS hướng dẫn 7 NCS. Trong khi đó quy chế chỉ cho phép 1 GS được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 NCS, PGS không quá 4 NCS và TS không quá 3 NCS.
Trong 3 năm từ 2015-2017, học viện tuyển sinh hơn 1.100 TS nhưng chương trình đào tạo của Học viện KHXH lại không bảo đảm yêu cầu theo quy chế. Tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần mà quy chế yêu cầu. Một số chương trình đào tạo được học viện thiết kế chung cho cả 4 đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung giống nhau.
Học một đằng, bằng một nẻo
Kiểm tra danh sách hướng dẫn NCS ngành quản lý giáo dục, thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện nhiều trường hợp phân công hướng dẫn chưa đúng quy định. Ví dụ, người ở ngành kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành quản lý giáo dục...
Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ NCS thì 3 có bằng thạc sĩ không phải ngành đúng và phù hợp với ngành/chuyên ngành NCS đang học hoặc đã tốt nghiệp. Khi tổ chức hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp có trường hợp người tham gia hội đồng không cùng ngành/chuyên ngành với học viên.
Bình luận (0)