Ngày 25-12, chúng tôi trở lại cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - nơi dễ tổn thương nhất khi có bão xảy ra vì còn nhiều nhà ở tạm bợ. 20 năm trước, nơi đây cũng là một trong những địa điểm tâm bão Linda (bão số 5 năm 1997) đi qua, gây thiệt hại nặng nề cả người lẫn tài sản.
Cửa biển Rạch Gốc, nơi bão Linda 20 năm trước gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Ảnh: DUY NHÂN
Chủ tịch thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm, cho biết đã sơ tán khẩn cấp 4.000 dân đến nơi an toàn tại các điểm trường, trụ sở chính quyền, nhà dân kiên cố… dưới sự hướng dẫn của chính quyền các cấp. "Chúng tôi bố trí lực lượng sẵn sàng túc trực ứng cứu nhà dân bị sập trong bão. Ngoài ra, công tác an ninh cũng được triển khai từ sớm", ông Đảm nói.
Người dân tránh bão ở trụ sở UBND huyện Ngọc Hiển. Ảnh: DUY NHÂN
Tại chợ thị trấn trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển trong buổi sáng cùng ngày, người dân mua lương thực dự trữ rất đông, đến trưa cùng ngày thì chợ đã vắng tanh vì "cháy" hàng. "Tôi chưa từng thấy người ta chen chúc đi chợ đông như vậy, còn hơn chợ Tết. Họ chủ yếu mua mì gói, thực phẩm khô và rau củ" - bà Ngô Mộng Giao (52 tuổi), tiểu thương chợ Rạch Gốc, cho biết.
Người dân xứ biển Rạch Gốc kể chuyện ứng phó với bão
20 năm trước, cơn bão Linda đã cướp đi nhà cửa của bà Giao và hàng trăm người dân ở cửa biển Rạch Gốc. Bà Giao sau đó thuê lại trụ sở cũ của công an thị trấn để bán cà phê và tạp hóa. Hiện ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng nên bà phải mua cái giường gỗ chắc chắn để chui vào tránh bão như 20 năm trước. "Lúc cơn bão năm 1997, tôi mới sinh con được 11 tháng, bão tới phải ôm con xuống gầm giường trú ẩn. Nằm ôm và che chắn cho con mà tôi không dám thở vì gạch ngói đổ xuống lộp độp, nghĩ mình không qua khỏi", bà Giao nhớ lại.
Xây tường chống nước dâng ở cửa biển Rạch Gốc. Ảnh: DUY NHÂN
Theo ghi nhận của phóng viên, người dân ở cửa biển này không một ai tỏ ra chủ quan trước bão. Nhiều người vẫn không ngừng di tản, những ngôi nhà kiên cố trong chợ cũng được người dân làm mọi cách để chống bão, chống nước dâng. Có nhà xây bức tường cao cả mét, bịt kín hết lối ra để phòng nước biển dâng, bảo vệ tài sản. Anh Nguyễn Thanh Nhàn, chủ tiệm tạp hóa Thanh Nhàn, chia sẻ: "Trước mắt là làm sao để bảo vệ tài sản an toàn. Mình không còn cách nào khác là phải xây bít hết, qua bão đập bỏ".
Anh Nhàn cho biết vì đã từng trải qua trận bão Linda kinh hoàng 20 năm trước nên anh và người dân ở đây tuyệt nhiên không chủ quan. "Từ chiều hôm qua cho đến sáng nay, các tiệm bán bạt cao su, bao bì, dây kẽm là đắt hàng nhất; có tiệm một buổi bán trên trăm triệu đồng. Bao nhiêu đó đủ thấy người dân ở đây sợ bão đến mức nào rồi", anh Nhàn nói.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết: "Công tác sơ tán dân đến nơi an toàn đang được tiếp tục và sẽ hoàn thành trước 5 giờ chiều 25-12 với tổng số hơn 98.000 người. Tất cả các khâu hậu cần từ thức ăn, nước uống đến thuốc men cũng được đảm bảo phục vụ người dân".
Ngày 25-12, UBND TP Cần Thơ có văn bản gửi các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn về việc chủ động ứng phó với bão số 16 (Tembin). Theo đó, yêu cầu các đơn vị cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con nhỏ đang công tác được nghỉ làm việc từ chiều 25-12 đến hết ngày 26-12 để chăm sóc con. Trong thời gian này, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp bố trí nhân sự thay thế, đảm bảo hoạt động sản xuất và chủ động ứng phó với bão số 16 (Tembin).
Chiều 25-12, mưa to và gió mạnh diễn ra tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: CA LINH
Cùng ngày, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Cán bộ, nhân viên được nghỉ từ chiều nay đến hết ngày 26-12 để cùng gia đình ứng phó với bão số 16 (Tembin), phòng các sự cố xảy ra. Tỉnh cũng tăng cường, huy động toàn bộ lực lượng để ứng phó với bão số 16".
Ngày 2-11-1997, tâm bão số 5 (có tên gọi là Linda) đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12. Tối cùng ngày, bão số 5 đi vào vùng bờ biển Bạc Liêu và Cà Mau, sau đó đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 8, cấp 9 khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 căn nhà bị sập, tổng thiệt hại về vật chất 7.200 tỉ đồng.
Bình luận (0)