Vệ tinh dự đoán vị trí di chuyển của bão số 14, khả năng đổ bộ vào Khánh Hoà - Bình Thuận
Lúc 17 giờ 45 phút, ngày 18-11 mưa to bắt đầu xuất hiện nhiều quận, huyện tại TP HCM. Trước đó, bầu trời tối sầm và mây đen dày đặc. Trong đó, các quận 3, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, quận 7, quận 8,... mưa rất lớn.
Ghi nhận phóng viên báo Người Lao Động tại khu vực quận 7 mưa to đến mức nhiều phương tiện ô tô chỉ có thể nhìn thấy nhau ở khoảng cách gần, xe gắn máy di chuyển khó khăn.
Theo hệ thống cảnh báo ngập của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, trong cơn mưa tối 18-11 có hàng chục điểm ngập ở các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp Tân Phú, Thủ Đức…
Gió giật mạnh cũng khiến nhiều cánh cửa ở căn tin KTX Khu B- Đại học Quốc gia TP HCM bị xô ngã, bàn ghế lăn lóc từ trong nhà ra đến ngoài sân . Một số cây xanh bị gió giật bật gốc.
Theo Tổng công ty Điện lực TP, sau cơn mưa lớn tối nay cũng khiến một vài nơi bị cúp điện, ngành điện đang khắc phục để sớm cung cấp điện cho người dân.
Lúc 18 giờ mưa rất to khiến nhiều người không dám ra đường (ảnh: LÊ PHONG)
Một người đàn ông suýt té vì mưa to, gió lớn. Ảnh chụp tại đường 53, phường Tân Quy, quận 7(ảnh: LÊ PHONG)
mưa to gây ngập nhiều tuyến đường ở quận 7 (ảnh: LÊ PHONG)
Nhiều phương tiện khốn khổ lưu thông trong cơn mưa lớn (ảnh: LÊ PHONG)
Gió giật mạnh khiến cửa sổ, đồ đạc ở KTX KHU B- Đại học Quốc Gia TP HCM bị xô ngã (ảnh: FB Phước Đại Phan)
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cơn mưa này do ảnh hưởng bởi cơn bão số 14.Ngoài mưa to, dân TP HCM lo lắng trước việc triều cường đe doạ. Cụ thể đỉnh triều trong đợt này xuất hiện vào ngày 19-11 và 20-11.
Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,53 – 1,58m (Cao hơn BĐ III 0,03 – 0,08m), thời gian xuất hiện từ 04 – 06 giờ; 16-18 giờ. - Mực nước tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) cao hơn BĐIII khoảng 0,20 – 0,25m. - Mực nước tại trạm Biên Hòa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn BĐII khoảng 0,05m.
Về thông tin bão số 14:
Ảnh vệ tinh lúc 18 giờ ghi lại vị trí tâm bão
Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 04 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 19-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10.
Video mưa dông lớn kèm gió giật, sấm sét đổ xuống hầu hết các quận huyện trên địa bàn TP HCM - Video: Quốc Chiến
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 17 giờ 40, cơn mưa lớn xối xả kèm gió giật mạnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại khu vực quận 3, quận Phú Nhuận. Trong cơn mưa, bầu trời xuất hiện sấm sét dữ dội.
Trên đường Hoàng Sa (quận 3), nhiều người đi đường bị gió thổi chao đảo, buộc phải tấp vào lề đường. Lượng mưa lớn khiến hệ thống nước không thoát nước kịp gây ngập nhẹ trên tuyến đường này.
Các phương tiện lưu thông khó khăn trong mưa
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, khoảng 18 giờ 20, tầng mây đối lưu đang phát triển rất mạnh trên khu vực TP HCM và vùng lân cận như Đồng nai, Long An, đến Bến Tre.
Những vùng mây đối lưu này sẽ phát triển và tiếp tục gây mưa dông, gió giật cho TP HCM và có thể lan sang các vùng lân cận. Ước lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi 60-80 mm và cao hơn.
Hình ảnh tầng mây đối lưu phát triển gây mưa trên radar (Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ)
Tại khu vực quận Thủ Đức, hàng loạt cây xanh trồng trên các tuyến đường như Linh Trung, Quốc lộ 1, Phạm Văn Đồng, Gò Dưa..., bị gió quật đổ, tét nhánh. Trong đó, trên đường Linh Trung, một cây xanh có đường kính khoảng nửa mét, cao hơn 20 m bị bật gốc rồi ngã đè lên đường dây điện cùng mái tôn của của một nhà dân.
Cây ngã đổ đè nhà dân trên đường Linh Trung (ảnh: GIA MINH)
Sự cố này may mắn không gây thương vong về người nhưng một chiếc ô tô đậu dưới lòng đường bị nhánh cây đè trúng, hư hỏng. Đồng thời, sự cố cũng khiến khu vực này bị cúp điện suốt nhiều giờ.
Phần nhánh đè lên chiếc ô tô đậu phía dưới (ảnh: GIA MINH)
Ngoài ra, gió mạnh cũng khiến một cây bàng trên đường Gò Dưa, đoạn gần chân cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) bị bật gốc, ngã chắn ngang đường. Trên Quốc lộ 1, đoạn gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, một số cây phượng cũng bị tét nhánh, gãy la liệt xuống đường khiến các phương tiện khi di chuyển qua gặp nhiều khó khăn.
Cây gãy đổ la liệt trên các tuyến đường như Quốc lộ 1, Phạm Văn Đồng, Gò Dưa... (ảnh: GIA MINH)
Còn tại đường Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức), gió mạnh cũng làm một số ki-ốt của cơ sở hoạt động khu vui chơi trẻ em tại khu vực gần Khu Chế xuất Linh Trung II đang trong quá trình xây dựng bị tốc mái. Rất may mắn, các sự cố này không làm người bị thương.
Quốc lộ 1, đoạn qua ngã tư Bình Phước nước ngập mênh mông (ảnh: GIA MINH)
Trong khi đó, mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường như Quốc lộ 13 cũ, Tô Ngọc Vân, Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức), Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh)… bị ngập từ 30 cm - 40 cm.
Bình luận (0)