xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biến rác thải thành điện ở Đông Nam Á

Hải Ngọc

Hầu hết rác thải ở Đông Nam Á thường được tập kết lộ thiên tại các bãi đất trống, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Rác chuyển sang đốt sẽ giảm bớt lượng chôn lấp cũng như giảm tác hại lên môi trường; nhiệt sinh ra trong lúc đốt rác có thể dùng sản xuất điện

Tại quận Tuas - Singapore có một nhà máy đốt rác xử lý khoảng 35% số rác thải mỗi ngày ở đảo quốc này. Theo tạp chí Nikkei (Nhật Bản), mỗi ngày có chừng 500-600 xe chở rác đến nhà máy này và nơi đây sản xuất được 120 Megawatt điện.

Biến rác thải thành năng lượng (WtE) là ngành công nghiệp đốt chất thải chôn lấp - loại không tái chế được - để sản xuất điện. Điều hành Nhà máy WtE là TuasOne, hiện thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Mitsubishi Heavy. Đến nay, Mitsubishi Heavy đã thiết kế và xây dựng 4 nhà máy WtE ở Singapore.

Hầu hết rác thải ở Đông Nam Á thường được tập kết lộ thiên tại các bãi đất trống, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Trong khi đốt rác thải ra khí CO2 thì chôn lấp rác tạo ra khí mê-tan. Theo Mitsubishi Heavy, rác chuyển sang đốt sẽ giảm bớt lượng chôn lấp cũng như giảm tác hại lên môi trường. Nhiệt sinh ra trong lúc đốt rác có thể dùng sản xuất điện.

Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence (Ấn Độ) ước tính thị trường WtE Đông Nam Á sẽ tăng trưởng từ 3,3 tỉ USD năm 2023 lên 6,1 tỉ USD năm 2028, tức tăng khoảng 80%. Theo Mordor, chỉ riêng ở Malaysia đã có ít nhất 6 nhà máy dạng này được động thổ trong năm 2020-2021 và dự kiến đều khánh thành trước năm 2025. Tại Thái Lan, một nhà máy có khả năng đốt khoảng 144.000 tấn rác/năm và tạo ra 6 Megawatt điện đã được khởi công năm 2020. Trong khi đó, trang tin về năng lượng sạch Energymonitor.ai gần đây ước tính có hơn 100 dự án WtE đã hoàn thành hoặc đang triển khai ở Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Heavy, IHI, Hitachi Zosen… có thế mạnh được công nhận trong ngành WtE, với nhiều công nghệ nổi trội. Thống kê của Bộ Môi trường Nhật Bản cho thấy nước này có khoảng 1.000 cơ sở xử lý chất thải, nhiều nhất thế giới; 40% trong số đó được trang bị thiết bị sản xuất điện. Mitsubishi Heavy đã phát triển được công nghệ phân loại rác sinh học với nhựa và các chất thải khác; ngoài ra đang thử nghiệm kết hợp các đơn vị WtE với công nghệ hấp thu và lưu giữ carbon. CO2 thu được có thể dùng trong sản xuất hóa chất.

Biến rác thải thành điện ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng ở Thái Lan của Hitachi Zosen Ảnh: Hitachi Zosen

Ngoài Nhật Bản, các công ty châu Âu cũng đang đầu tư mạnh tay vào thị trường WtE ở Đông Nam Á. Theo đài DW (Đức), Công ty Allied Project Services (Anh) đã đầu tư một nhà máy ở Pangasinan - Philippines, một dự án do chính phủ Đan Mạch tài trợ ở TP Semarang - Indonesia, một dự án do 2 công ty Pháp ENGIE và Suez Environment bỏ vốn ở Chonburi - Thái Lan... Công ty Hà Lan Harvest Waste sắp xây dựng nhà máy WtE được xem là hiện đại nhất châu Á ở Cebu - Philippines, với cùng công nghệ sử dụng tại Amsterdam, mỗi tấn rác có thể sản xuất 900 KWh điện.

Tuy nhiên, trở ngại đối với ngành WtE trước hết là vốn cao. Ông Luuk Rietvelt, giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương của Harvest Waste, cho biết chi phí tại các cơ sở WtE, công nghệ hiện đại nhất châu Âu, vào khoảng 1.000 euro/tấn rác mỗi năm - mức đắt đỏ với một số nước châu Á. May mắn là gánh nặng này được hỗ trợ phần nào bởi những khoản vay tích cực từ các ngân hàng lớn, như Ngân hàng Phát triển châu Á.

Trở ngại tiếp theo đến từ sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường. Các bãi rác châu Á chưa có sự phân loại hiệu quả giữa rác tái chế và không tái chế, giữa rác tự nhiên và nhân tạo. Do đó, họ lo ngại rác không đốt được sẽ "chen chân" vào lò đốt, gây ra lượng CO2 khổng lồ.

Dù vậy, như GS Masaki Takaoka của Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản) chỉ ra, trước khi những chính sách hạn chế rác thải được ban hành, việc "xử lý rác khẩn cấp" ở Đông Nam Á là vô cùng cần thiết. Dân số đô thị ở Đông Nam Á dự kiến tăng lên tới khoảng 400 triệu người vào năm 2030, kéo theo đó là cả lượng rác thải và nhu cầu năng lượng khổng lồ. "Chính vì vậy, nhiều thành phố sẽ cân nhắc phương án biến rác thành năng lượng, nhất là công nghệ đốt rác" - ông Takaoka nhận định với DW. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo