Dọc các tuyến đường lớn của TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương như Cách Mạng Tháng Tám, Thích Quảng Đức, Huỳnh Văn Lũy, Nguyễn Văn Tiết, Huỳnh Văn Cù… có nhiều khu vực công cộng mà người dân gọi là công viên. Những nơi này chỉ có diện tích từ 70 - 300 m2 nhưng nhiều cây xanh, ghế đá, dụng cụ tập thể dục… giúp người dân thư giãn sau ngày làm việc mệt mỏi.
Hy sinh lợi ích để phục vụ nhân dân
Theo anh Nguyễn Văn Bình (45 tuổi; ngụ phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một), khi chưa có công viên gần nhà, gia đình anh không biết đi đâu để vui chơi vào mỗi buổi tối. Các con anh muốn đạp xe cũng không có chỗ, mà chạy ra đường thì nguy hiểm. "Từ khi có công viên gần nhà, hầu như tối nào mọi người cũng tập trung đông đúc, chủ yếu hóng mát và tập thể dục. Các con tôi rất thích thú được đạp xe mỗi tối" - anh Bình nói.
Từ khi có những công viên, hoa viên phủ khắp các tuyến đường ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, người dân có thêm nơi vui chơi, thư giãn lành mạnh
Theo tìm hiểu, tiền thân của khoảng 10 công viên ở TP Thủ Dầu Một đều là trụ sở cơ quan nhà nước. Trong đó, công viên mà anh Bình nhắc đến nằm trên đường Huỳnh Văn Lũy, vốn là trụ sở cũ của Trạm Y tế phường Phú Mỹ, sau đó, thành phố đã quyết định gộp trạm y tế vào một phòng khám đa khoa khu vực và lấy toàn bộ diện tích khoảng 300 m2 làm công viên. Gần đó, công viên trên đường Cách Mạng Tháng Tám tọa lạc trên nền trụ sở cũ của Ban Chỉ huy Quân sự phường. Hay khu vực vốn là trụ sở UBND phường Chánh Mỹ trên đường Huỳnh Văn Cù đã thành công viên sau khi UBND dời đến địa chỉ mới...
Ngoài các công viên trên, ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, còn chia sẻ hiện địa phương còn dành hơn 5.100 m2 đất công để làm "công viên giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Ngô Quyền", thuộc phường Phú Cường, nằm ở vị trí trung tâm thành phố. Đây là dự án được HĐND thành phố thống nhất phê duyệt từ tháng 7-2018. Công viên nằm trên quỹ đất "vàng" này theo thiết kế có đủ các tiện ích đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí. Tiến độ dự án sẽ được thực hiện từ năm 2020 đến 2024, dự kiến tổng mức đầu tư gần 150 tỉ đồng từ ngân sách của TP Thủ Dầu Một.
"Những khu đất "đắc địa" nêu trên nếu bán đấu giá hoặc cho thuê sẽ đem lại nguồn thu lớn cho TP Thủ Dầu Một nhưng địa phương quyết định "hy sinh" lợi ích đó để phục vụ người dân. Điều này cũng là để thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 14-11-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo" - Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một nói. Theo ông, việc xây dựng và hoàn thiện các công viên, hoa viên là chủ trương tốt, được người dân đồng thuận và đánh giá cao.
Sẽ thêm nhiều khu vui chơi công cộng ra đời
Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, chủ yếu tập trung rải rác ở khu vực người dân sinh sống, nhiều nhất ở TP Thuận An, TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát. Các cơ sở sản xuất này không còn phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường nên tỉnh đang tập trung vận động các cơ sở quy mô lớn thực hiện di dời vào khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất lớn. Riêng với những cơ sở đã hết thời gian thuê đất thì không gia hạn thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay chính quyền sẽ lấy quỹ đất trên để ưu tiên số 1 cho các công trình công cộng, thiết chế văn hóa - thể thao, nhà ở xã hội, tiếp theo mới đến phát triển thương mại - dịch vụ. "UBND tỉnh đang khảo sát làm đề án, phải làm sớm nhất có thể để phục vụ đời sống tinh thần của người dân tốt hơn. Ngoài ra, cải tạo chỉnh trang đô thị, tăng cơ cấu thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của địa phương là nhiệm vụ quan trọng" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Võ Văn Minh, ngoài di dời các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp để có thêm quỹ đất phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, địa phương đang gấp rút thực hiện kế hoạch xây dựng các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, tạo không gian đô thị hỗn hợp để người dân có nơi vui chơi, giải trí. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng tuyến đường Bạch Đằng nối dài bắt đầu từ giao lộ Ngô Quyền chạy dọc sông Sài Gòn và kết thúc bằng đường bên dưới cầu Phú Cường (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một) và tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (TP Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình (TP HCM) với tổng chiều dài 13,2 km. Hai dự án này kết hợp với việc làm chợ đêm, phố đi bộ và công viên sẽ tạo thành điểm đến lý tưởng cho người dân.
Kiến nghị thu hồi đất công bị lãng phí
Cũng liên quan đến nhà, đất công, sáng 15-3, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết quận có diện tích khiêm tốn, trong đó Công viên Đầm Sen và Trường đua Phú Thọ đã chiếm 100 ha (1/5 diện tích toàn quận), còn lại diện tích cho dân cư và phát triển kinh tế rất hạn hẹp. Trong khi trên địa bàn quận hiện còn nhiều mặt bằng của bộ, ngành trung ương; trong đó nhiều mặt bằng sử dụng không hiệu quả mà vừa qua quận đã tiến hành kiểm tra, xử phạt. "Sắp tới, quận 11 sẽ tổng hợp và xin ý kiến TP HCM đối với các mặt bằng này để xin chủ trương xây dựng trường học" - ông Long kiến nghị.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, hoan nghênh quận 11 thường xuyên rà soát các mặt bằng, nhà đất công do cơ quan trung ương và thành phố đóng trên địa bàn và xử phạt khi phát hiện vi phạm. Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, quận 11 cần nghiên cứu, đề xuất thu hồi các mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, lãng phí để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ y tế, giáo dục, văn hóa trên địa bàn quận trong thời gian tới.
Ph.Anh
Bình luận (0)