Mới đây nhất, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm mới thấy hóa ra việc bổ nhiệm chức giám đốc sở của con trai ông nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lại chẳng "đúng quy trình" như một vị thứ trưởng Bộ Nội vụ từng phát biểu. Trước đó, khi có dư luận lùm xùm về việc quy hoạch, bổ nhiệm con ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam làm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam ở tuổi 30, ông thứ trưởng Bộ Nội vụ trong trả lời báo chí hồi tháng 10-2015 đã khẳng định việc bổ nhiệm là "đúng theo quy định", "đúng quy trình".
Thế nhưng, nay thì Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm khi không đủ tiêu chuẩn, vi phạm quy trình.
Những vi phạm trong việc "bổ nhiệm tốc hành" con trai Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đáng tiếc lại không phải là cá biệt. Một trong những vụ "bổ nhiệm thần tốc" không kém, gây bất bình trong dư luận thời gian qua là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Trước khi bị phát hiện, các vụ vi phạm, sai phạm, tiêu cực… đều đã tồn theo thời gian, có vụ kéo dài nhiều năm. Thậm chí, không ít vụ trước đó đã được các cơ quan chức năng vào thanh - kiểm tra với kết luận "đúng quy trình". Đúng quy trình trong những trường hợp này đã được sử dụng như một tấm bình phong để dung túng, che đậy, bảo kê cho những cái sai trái, xấu xa.
Sau vụ bê bối tham nhũng PMU 18 chấn động hơn 10 năm trước, nhiều bài học đau xót và đắt giá đã được đúc rút ra. Trong đó có nhận định để xảy ra vụ tiêu cực lớn này do "lỗi hệ thống" bởi nhiều cơ quan, đơn vị trong nội bộ cũng như cấp trên đều đã không thể phát hiện sớm vụ tham nhũng lớn này.
Thời gian qua, pháp luật cũng như quy định đã liên tục được hoàn thiện nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm những hành vi, việc làm tiêu cực. Những quy trình được xây dựng chặt chẽ để hạn chế tối đa hành vi lạm quyền, hiện thực hóa yêu cầu "nhốt quyền lực vào lồng luật pháp".
Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc chấn động thời gian qua, từ "bổ nhiệm thần tốc" cho tới các "đại án" tiêu cực, tham nhũng… cho thấy hệ thống pháp luật còn những lỗ hổng.
Sau mỗi vụ việc tiêu cực, đi đôi với việc trừng phạt nghiêm khắc những đối tượng vi phạm thì việc hoàn thiện luật pháp cũng như các quy định là cần thiết để bịt các kẽ hở. Song luật pháp và quy trình, thủ tục dù cố gắng hoàn thiện tới đâu cũng sẽ vẫn bị lợi dụng kẽ hở, nhất là quy trình tưởng rằng chặt chẽ ấy song lại khép kín trong một nhóm người hay tổ chức. Bởi thế, cùng với minh bạch, công khai cũng rất cần những thiết chế để kiểm tra và giám sát khác. Chúng ta luôn chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" song từ chủ trương đến thực tiễn cuộc sống rõ ràng còn khoảng cách xa. Khoảng cách này là một kẽ hở lớn để "đúng quy trình" trong nhiều trường hợp thành chiếc bình phong che đậy cho những điều sai trái, tiêu cực, lạm quyền như đã thấy thời gian qua.
Bình luận (0)