Chiều 28-9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) họp báo quý III thông báo về kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm. Vấn đề nóng được báo chí quan tâm vẫn là những bất cập tại các dự án BOT gây bức xúc trong dư luận lâu nay. Bộ GTVT tiếp tục khẳng định nhà nước không có tiền mua lại trạm thu phí BOT Cai Lậy, vị trí đặt trạm không sai.
"Không đặt sai vị trí" (?!)
Trình bày tổng thể về các dự án BOT trên cả nước, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT, cho biết cả nước có 88 trạm BOT, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm. Trong số này có 58 trạm có khoảng cách hơn 70 km; 10 trạm có khoảng cách 60-70 km; 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km và 3 trạm BOT đặt vị trí ở ngoài phạm vi của dự án, đó là trạm Tào Xuyên, trạm Cầu Rác và trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ngoài ra, có 6 dự án đặt trạm thu phí trên tuyến chính bằng việc nâng cấp, cải tạo tuyến chính cũng như xây dựng tuyến tránh, trong số này có trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Trả lời về việc Bộ GTVT có tính toán mua lại hay di dời trạm BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Danh Huy cho rằng cần phải xem xét việc đặt vị trí trạm đúng hay sai. "Theo quy định tại thời điểm đầu tư trạm BOT Cai Lậy, thì việc vị trí trạm đặt hoàn toàn trong phạm vi dự án. Việc đầu tư trạm dựa trên Pháp lệnh Phí và Lệ phí, Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó Thông tư số 159 nói rằng vị trí trạm thu phí nằm trong phạm vi dự án, do đó vị trí đặt trạm là hợp lý theo quy định" - ông Huy cho biết.
BOT tuyến tránh Biên Hòa, một trong những dự án BOT được dư luận quan tâm nhiều thời gian qua Ảnh: Xuân Hoàng
Về kiến nghị nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm thu phí để di dời vị trí trạm BOT Cai Lậy, ông Huy cho rằng nếu di dời trạm thì nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư, nhưng hiện nay ngân sách nhà nước hạn hẹp, không có tiền mua lại.
Liên quan đến việc rà soát miễn, giảm giá vé qua trạm BOT, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết cơ quan này đang tiến hành rà soát toàn bộ 54 trạm BOT đang hoạt động trên cả nước do bộ quản lý. "Việc đàm phán giữa các bên dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 10-2017 để báo cáo lãnh đạo bộ xem xét quyết định. Tuy nhiên trong quá trình rà soát, đàm phán, xong dự án nào sẽ báo cáo bộ để tiến hành giảm phí luôn. Chẳng hạn trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ bắt đầu giảm từ ngày 15-10; trạm Đại Yên trên Quốc lộ (QL) 18 sẽ giảm từ ngày 1-11" - ông Huyện cho hay, đồng thời nhấn mạnh việc giảm giá sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GTVT.
Đối với việc miễn, giảm phí cho người dân sống gần trạm thu phí, ông Huyện cho biết đến nay đã có 10 dự án BOT tiến hành miễn, giảm giá vé cho người dân sinh sống gần trạm như: Trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh)…
Bất cập là do khung pháp lý
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Sau hàng loạt sự việc xảy ra tại các trạm thu phí, bộ đã đánh giá mặt được, chưa được, kinh nghiệm khi thực hiện dự án BOT. Tuy nhiên không nên dừng các dự án BOT mà phải bổ sung, sửa đổi khung pháp lý để đầy đủ và phù hợp hơn". Ông cũng thừa nhận tính khả thi khi làm một số dự án BOT cũng như đánh giá tác động xã hội chưa được xem xét kỹ; việc tính mức phí chưa đầy đủ về đơn giá dẫn đến phải điều chỉnh sau này cũng đã gây bức xúc cho xã hội.
"Những tồn tại bất cập trong thực hiện là do khung pháp lý. Chẳng hạn trạm thu phí hở có những bất cập, người tham gia giao thông đi đoạn đường ngắn hay dài đều mất tiền như nhau, thậm chí người đi ở giữa thì không mất tiền. Để giải quyết vấn đề này, phải thay đổi hệ thống văn bản pháp luật" - ông Đông nói.
Nói về trách nhiệm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện dự án BOT. Bộ chịu trách nhiệm vì đề xuất và phê duyệt dự án và vị trí đặt trạm BOT. "Còn về trách nhiệm của các cá nhân trong sai sót quản lý, thực hiện vấn đề BOT, chắc chắn là có, chúng tôi sẽ rà soát và thông báo sau" - Thứ trưởng Đông nói.
Ông Đông khẳng định trong thời gian tới, Bộ GTVT không chủ trương làm BOT trên những tuyến đường hiện hữu, chỉ làm BOT ở dự án mới, trường hợp đặc biệt phải tham khảo cộng đồng rộng rãi để đánh giá tác động xã hội. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn khi nói rằng việc tham khảo ý kiến cộng đồng rộng rãi tới đâu thì hiện chưa có quy định, do đó đang lúng túng "không biết lấy ý kiến thế nào là đủ".
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định việc "phá sản" kế hoạch chạy thử tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 10 liên quan đến gói vay 250 triệu USD chưa được giải ngân dù dự án đã hoàn thành 95% khối lượng xây lắp; 5% chưa xong nằm ở việc lắp đặt các thiết bị tại nhà ga do thiếu vốn. Hiện chưa chốt được phương án cũng như thời gian chạy thử đoàn tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Làm cao tốc Bắc - Nam phải có cơ chế
Thông tin về việc trong công văn trả lời Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ Tài chính cho rằng phương án của Bộ GTVT không thể hiện được tính khả thi, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong văn bản của Bộ Tài chính đã nói rõ và đưa ra các phương án khác nhau trong bối cảnh chọn nhà đầu tư không dễ. Việc tổ chức đấu thầu, nếu các cơ chế không được thông qua, đồng hành cùng với việc bố trí vốn thì cũng sẽ không thực hiện được. "Cao tốc Bắc - Nam chỉ triển khai được khi có cơ chế được Quốc hội, Chính phủ thông qua cùng với việc bố trí vốn" - ông Đông nói.
Bình luận (0)