xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ máy cứ phình to...

Văn Duẩn - Tô Hà - Minh Chiến

Việc thực hiện tinh giản biên chế vừa qua chủ yếu là với những người sắp nghỉ hưu

Qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC); Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách TGBC, cho thấy vẫn chưa tạo ra chuyển biến về chất và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

86% tinh giản là sắp nghỉ hưu

Báo cáo chuyên đề TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CB-CC-VC của Bộ Nội vụ công bố mới đây cho thấy tính đến ngày 26-5-2017, tổng số đối tượng giải quyết TGBC là 24.804 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 và 5 tháng đầu năm 2017 là 7.103).

Bộ Nội vụ cũng nêu rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện, đến nay vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch TGBC từ năm 2015- 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách TGBC không theo quy định.

Bộ máy cứ phình to... - Ảnh 1.

Cán bộ - công chức UBND quận Bình Thạnh giải quyết thủ tục hành chính Ảnh: TẤN THẠNH

Đáng chú ý, việc TGBC mới chỉ tập trung tới đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (21.385 người/24.804 người, chiếm 86,22%), chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ CC-VC theo đề án vị trí việc làm. "Với tiến độ và cách làm như hiện nay thì khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị" - báo cáo của Bộ Nội vụ đánh giá.

Ngày 7-8, đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã có buổi làm việc với Chính phủ để hoàn thiện các nội dung của dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Dự thảo báo cáo giám sát nêu một loạt con số, từ năm 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 39, tổng biên chế cả nước lại tăng hơn 11.000 người, chứng tỏ tinh giản chưa hiệu quả. Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của trung ương được giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30-10-2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người.

Nhiều đối tượng cần tinh giản

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến nay cả nước có 269.084 biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý, không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). Hiện nay, có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế được Bộ Nội vụ giao.

Tổng số người làm việc trong hơn 56.000 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng so với năm 2011: 121.736 người). Trong đó, ở trung ương là 201.901 người; địa phương là 1.891.412 người. Tuy nhiên số viên chức có mặt tại thời điểm 31-12-2016 là 2.102.477 người (tăng hơn 9.164 người).

Ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng TGBC cần tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công ích nhà nước, cần có quy định rõ những vấn đề có thể cho tư nhân tham gia, xã hội hóa được thì nên thực hiện ngay. Theo ông Thụ, nên giao quyền tự chủ cho các đơn vị dịch vụ công.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12-2016, số lượng CB-CC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tính đến tháng 12-2016 là gần 1,3 triệu người. Trong đó: 234.217 CB-CC cấp xã (bình quân 21 người/xã) và 200.923 người người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (bình quân 18 người/ xã). Ngoài ra, có 837.657 người hoạt động không chuyên trách tại 135.019 thôn, tổ dân phố. Tổng quỹ lương, phụ cấp của khối này là 32.404 tỉ đồng/năm.

Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về CB-CC và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Dự thảo này đề xuất dự kiến tinh giản từ 2.000-7.600 người cán bộ cấp xã; 28.000-67.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; 432.600 ở thôn, tổ dân phố, giảm một nửa so với số lượng hiện nay. "Hiện nay, cả nước có hơn 11.000 xã, phường, thị trấn, chỉ cần mỗi đơn vị tăng lên một người thì sẽ có thêm hơn 11.000 người hưởng lương" - ông Thụ nói.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, cần phải nhận thức rõ thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thì cho rằng: "Mặc dù khoán lương thấp nhưng số lượng biên chế cùng với hệ thống các cơ quan khác rất lớn nên khoản chi cứ phình ra, không kiểm soát được".

Theo Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm từ 1,5% - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hay giao nhiệm vụ mới thì bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.

Riêng đối với giáo dục và đào tạo, y tế, phải tự cân đối trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao; nếu không thể tự cân đối thì phải có đề xuất gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ cũng cho rằng người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện TGBC. Nếu không hoàn thành kế hoạch TGBC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, nhà nước.

Gây áp lực về tài chính công

Trong báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, biên chế khu vực công của Việt Nam tăng khá nhanh trong thời gian qua, góp phần làm chi lương tăng mạnh.

Quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng CC-VC, đặc biệt ở địa phương, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số. Số CC-VC ở trung ương tăng 2,8% và 3,9% trong các năm 2009 và 2011; số công chức ở địa phương tăng 5,1%/năm từ năm 2009-2013, cao hơn so với tốc độ tăng dân số 1,1%. Nếu duy trì tốc độ tăng như vậy, tài chính công sẽ chịu áp lực lớn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo