Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đồng Nai, trận mưa chiều 6-9 vừa qua đã khiến hàng loạt "điểm nóng" ở nội ô TP Biên Hòa ngập nặng. Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng ngập sâu trên đường Đồng Khởi (phường Trảng Dài và Tân Phong), tại khu phố 3, 5, 8, phường Hố Nai, một vùng rộng lớn ở phường Long Bình Tân... Đặc biệt, ở phường Phước Tân có 1.162 nhà dân bị ngập nước, trong đó có khoảng 100 nhà bị ngập sâu từ 1-1,2 m.
Ngập sâu do quá tải!
Nói về thực trạng trên, theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều điểm ngập sâu ở nội ô TP Biên Hòa cứ thế kéo dài dai dẳng một phần là do tốc độ đô thị hóa cao, tạo áp lực cho hệ thống hạ tầng hiện hữu. Trong đó, dân số quá tải đã kéo thêm tình trạng rác thải chưa được thu gom triệt để dẫn đến ứ đọng ngay các hố ga; tình trạng lấn chiếm các rạch, suối ảnh hưởng đến việc thoát nước tự nhiên... Trước câu hỏi cứ điểm ngập này vừa khắc phục lại xuất hiện điểm ngập khác ở nội ô TP Biên Hòa, ông Huỳnh Tấn Lộc tiếp tục cho rằng vẫn là do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số quá tải. "Về giải pháp lâu dài, ngoài đẩy nhanh các dự án chống ngập, UBND thành phố sẽ chỉ đạo công ty môi trường, công ích nạo vét mương cống, khơi thông dòng chảy cống rãnh, trực khi mưa lớn cục bộ" - Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa nhấn mạnh.
Thông tin cụ thể hơn về các dự án chống ngập cho nội ô TP Biên Hòa, ông Huỳnh Tấn Lộc cho hay để giải quyết "rốn ngập" trên đường Đồng Khởi (đoạn qua 2 phường Trảng Dài và Tân Phong), hiện các cơ quan liên quan đang gấp rút triển khai một dự án với tổng vốn 30 tỉ đồng và dự kiến khởi công vào cuối quý IV/2022. Còn ở điểm ngập tại khu vực ngã ba đường Bùi Trọng Nghĩa - Trảng Dài đấu nối ra Đồng Khởi là điểm ngập mới phát sinh trong năm 2022; nguyên nhân do hệ thống thoát nước bị quá tải và hệ thống thoát nước đường Đồng Khởi không bảo đảm. "UBND TP Biên Hòa cũng đã có dự án giao UBND phường Trảng Dài làm chủ đầu tư để xử lý ngập nước ở khu vực này" - ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết. Riêng đối với các điểm ngập ở Quốc lộ 51 (khu vực cầu Đen, phường Long Bình Tân), mặc dù đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án chống ngập nhưng chưa giải quyết hết thì địa phương đang có kế hoạch khởi công giai đoạn 2 của dự án trong quý III năm nay. "Hy vọng, khi giai đoạn 2 dự án hoàn thành tình trạng ngập sẽ được cải thiện rõ nét" - Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa nói.
Hễ mưa lớn là nhiều tuyến đường ở nội ô TP Biên Hòa lại ngập sâu. Trong ảnh là cảnh ngập trên đường Đồng Khởi, đoạn giáp ranh giữa phường Trảng Dài và Tân Phong
Để chống ngập, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết ngoài các giải pháp trước mắt, UBND tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa cần có những giải pháp căn cơ và mang tính chất lâu dài, đồng bộ mới mong giải quyết dứt điểm các điểm ngập trên. "Riêng sở sẽ đánh giá các dự án chậm tiến độ, đang bị vướng mắc để tham mưu chủ tịch UBND tỉnh xử lý, tháo gỡ. Đồng thời, sở sẽ đồng hành với địa phương hướng dẫn, nâng cao chất lượng hồ sơ, gỡ khó khăn, đầu tư mới; tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng, điều chỉnh quy hoạch chung, đấu nối các khu chức năng, đô thị thông minh, xanh, nâng cấp hạ tầng..." - ông Hồ Văn Hà nói.
Xây hàng loạt đô thị vùng ven
Ông Đỗ Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho hay đến nay, TP Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước, với gần 1,3 triệu dân. Thực trạng hiện hữu là kẹt xe, ngập úng trong mùa mưa, hạ tầng kỹ thuật của khu vực trung tâm TP Biên Hòa ngày càng trở nên quá tải, không gian sống bị bó hẹp... "Ngoài triển khai các dự án hạ tầng, dự án chống ngập, để giải bài toán này một cách căn cơ nhất, trong điều chỉnh quy hoạch của tỉnh tới đây, TP Biên Hòa sẽ đề xuất hình thành các khu đô thị mới ở 4 xã, phường là Tam Phước, Phước Tân, Long Hưng, An Hòa để giảm bớt số dân dồn về khu vực trung tâm" - ông Nguyên thông tin. Ông nhấn mạnh việc xây dựng các khu đô thị mới để giãn dân sẽ lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để hình thành đô thị xanh, thông minh đem đến cho người dân thành phố một nơi sống tốt hơn để bảo đảm người dân sẽ yên tâm dời đến.
Đồng quan điểm, ông Hồ Văn Hà đánh giá 4 phường, xã vùng ven TP Biên Hòa nói trên hiện đất đai còn rất rộng, dân cư thưa, việc quy hoạch triển khai xây dựng các dự án khu đô thị sẽ nhanh hơn, vì số hộ gia đình, cá nhân phải bồi thường, giải tỏa trắng ít. Những đô thị mới hầu hết được tính toán đầu tư đầy đủ đường sá, bãi đậu xe và các tiện ích đi kèm sẽ bảo đảm đời sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho hay hoàn toàn ủng hộ, bởi nó sát với thực tế đang diễn ra ở TP Biên Hòa. "TP Biên Hòa giống như một đô thị nén vào khu vực trung tâm nên rất khó để phát triển. Nếu cứ quy hoạch và xây dựng nhiều chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm, trong khi hạ tầng kỹ thuật lại đầu tư không tương xứng sẽ hạn chế không gian sống và quá tải cho nội ô. Vì thế, hình thành các khu đô thị mới ở vùng ven Biên Hòa thuộc các phường, xã như UBND TP Biên Hòa dự kiến đề xuất là hoàn toàn hợp lý và cần làm ngay. Bởi làm được việc này thì TP Biên Hòa sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn" - ông Hồ Văn Hà phân tích.
Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai, nói thêm xu hướng mở rộng đô thị ra vùng ngoại ô đã được một số thành phố lớn trên cả nước đã và đang triển khai để giảm áp lực cho khu trung tâm như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng... Thực tế, các khu đô thị vùng ven khi hình thành đều bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về mật độ, diện tích, đường giao thông, công viên,... nên được không ít người lựa chọn để an cư.
Bình luận (0)