Liên quan đến vụ 5 thuyền trưởng các tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị bắt, hiện đang bị giam giữ ở Natuna và đang tuyệt thực để phản đối quyết định của tòa án Ranai (tỉnh Riau, Indonesia), Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn ngày 15-12 cho biết đây là vụ việc Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia (ĐSQ) dồn nhiều công sức và nguồn lực nhất cho một vụ việc đơn lẻ từ trước đến nay.
"Và cũng chưa bao giờ số Công hàm ngoại giao (cho đến nay là 5) gửi từ trong nước và ĐSQ liên quan đến một vụ việc này lại nhiều như vậy. Và cũng chưa bao giờ ĐSQ lại tham dự nhiều phiên tòa, tiếp xúc với tòa án Tối cao và địa phương cho một vụ việc đơn lẻ nhiều như vụ này"- ông Tuấn cho hay.
Cán bộ phụ trách lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiếp xúc với ngư dân - Ảnh do Đại sứ quán cung cấp
"Tiếc rằng, cho đến nay kết quả của vụ việc vẫn chưa như mong muốn của người trong cuộc, của dư luận, và đặc biệt là của những cán bộ ĐSQ trực tiếp tham gia xử lý vụ việc. Phía các ngư dân, và các luật sư bảo vệ vẫn tiếp tục kháng cáo, đòi công lý. Còn phía Tòa án Indonesia thì ra phán quyết dựa trên bản khai có chữ kí của ngư dân, cáo trạng do Viện Công tố cung cấp"- Đại sứ nói.
Khẳng định ĐSQ sẽ bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của các ngư dân, yêu cầu tòa xét xử minh bạch và sẽ tiếp tục công việc bảo hộ ngư dân trong suốt tiến trình pháp lý đang diễn ra cũng như sau này, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn kêu gọi trong khi tiến trình pháp lý vẫn đang tiếp diễn, ĐSQ qua nhiều kênh khác nhau đề nghị các thuyền trưởng không tiếp tục tuyệt thực, đề nghị các cơ quan hữu trách Indonesia có những biện pháp đặc biệt, trông coi các ngư dân không để xảy ra bất cứ sự việc đáng tiếc nào xảy ra.
Ông Tuấn cũng chia sẻ chỉ trong khoảng 2-3 ngày vừa qua, cùng lúc xảy ra 4 vụ việc liên quan đến bảo hộ công dân ở 4 khu vực khác nhau, vụ việc nào cũng nghiêm trọng, đặc biệt nhất là vụ một công dân bị giữ ở một tỉnh xa khi đang đi lang thang trên đường với những biểu hiện bệnh lý không bình thường (rất tiếc anh này đã vừa qua đời, trong người chỉ có tấm hộ chiếu Việt Nam và 2 lọ thuốc điều trị HIV. RIP Him). Sẽ có rất nhiều việc phải làm để ma chay, hỏa táng, đưa tro về nước trong trường hợp không liên hệ được với người nhà... Bên cạnh đó là vụ 3 ngư dân Việt bị nhà chức trách Indonesia bắt gần biên giới với Timor-Leste khi đang làm việc trên một tàu Trung Quốc cùng các thủy thủ Trung Quốc, Myanmar và Indonesia... Trong vụ này, cán bộ ĐSQ phải bay ngay chuyến 10 giờ 30 đêm, đổi máy bay 2 lần để kịp làm việc vào buổi sáng, và sau đó lại về ngay nửa đêm qua để xử lý việc khác, trong khi việc này chưa xong... Các cán bộ, nhân viên ĐSQ đã nỗ lực bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của các công dân Việt Nam.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, từ ngày 2 đến 29-11, tại tòa án Ranai, tỉnh Riau, Indonesia đã diễn ra các phiên tòa xét xử các thuyền trưởng các tàu cá Việt Nam với cáo buộc vi phạm vùng biển khai thác cá trái phép, bao gồm 5 thuyền trưởng của các tàu cá thuộc tỉnh Kiên Giang. Tại các phiên tòa này, do các thuyền trưởng tiếp tục kháng cáo nên tòa quyết định dời phiên xét xử sang ngày 5-12.
Phiên tòa ngày 12-12 đã tuyên phạt 2 thuyền trưởng Cao Văn Hoàng và Hứa Minh Trung 500 triệu Rupi hoặc 5 tháng tù giam. Hiện bản án đã được kháng án lên tòa án cấp trên và chờ xét xử.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ĐSQ đã làm việc với các cơ quan chức năng của Indonesia để đưa 58 ngư dân trên 5 tàu cá nói trên về nước trong ngày 15-6-2017. ĐSQ đã cử cán bộ đại diện đến dự các phiên tòa, đồng thời đã tiếp xúc và trao đổi với các cơ quan chức năng của Indonesia, gửi công hàm tới Tòa án tối cao Indonesia, đề nghị trong trường hợp không có bằng chứng kết tội, phía Indonesia phải sớm thả người và phương tiện. Tòa án tối cao Indonesia đã ghi nhận và cho biết sẽ tiến hành xét xử một cách công minh, theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)