Ngày 22-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo sụt lún đất ở ĐBSCL.
Thành thị sụt lún nhanh hơn nông thôn
PGS-TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho biết ĐBSCL - vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường đi tới sự thịnh vượng và phát triển bền vững bởi đây là nơi rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi kéo theo nhiều hệ lụy.
Ông Olaf Neusser thuộc Tổ chức GIZ cho biết ĐBSCL là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm. Sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hằng năm.
Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, trong 25 năm (1991-2015), việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng này đã gây ra sự sụt lún đất trung bình cho toàn đồng bằng là 18 cm. Có những điểm sụt lún trên 30 cm. Tốc độ sụt lún cũng đang gia tăng nhanh, trung bình 1,1 cm/năm; có nơi lên đến 2,5 cm/năm, nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Các thành phố và vùng sản xuất công nghiệp có tốc độ sụt lún nhanh hơn so với vùng nông thôn.
Trong những năm qua, vấn đề sụt lún đất ở ĐBSCL nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Tổ chức GIZ đã nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo "Vấn đề dưới mặt đất – Sụt lún đất tại ĐBSCL". Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 bước quản lý sụt lún đất gồm: Đo lường sụt lún đất, nguyên nhân gây sụt lún đất, tác động của tình trạng sụt lún đất, giảm thiểu tốc độ sụt lún đất và thích ứng với sụt lún đất.
Cà Mau là một trong những tỉnh có tốc độ sụt lún nhanh ở ĐBSCLẢnh: VÂN DU
Hạn chế khai thác nước ngầm
Theo các chuyên gia, đối với ĐBSCL, nguyên nhân chính của sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức. Trong đó, TP Cần Thơ là khu vực có độ sụt lún nặng, tổng cộng 20 cm trong 25 năm qua.
Dù ĐBSCL có hạ nguồn sông Mê Kông - một trong những dòng sông lớn nhất thế giới nhưng tình trạng của ĐBSCL tương ứng với câu "nước khắp nơi nhưng không một giọt để uống". Nguyên do là sông ngòi ngày nay quá ô nhiễm. "Cách đây 20 năm nước sông còn bơi lội, còn dùng cho sinh hoạt được. Nhưng ngày nay, ngoại trừ các nhánh sông lớn chứ còn sông ngòi, kênh rạch người dân rửa tay còn không dám, nói chi sử dụng cho sinh hoạt. Vì vậy, toàn bộ ĐBSCL gần như chỉ sử dụng nước ngầm (ngoại trừ ở ven các sông lớn)" - ông Thiện nêu thực trạng.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân sông ngòi ô nhiễm là vì nền nông nghiệp lâu nay chạy theo năng suất và số lượng nên sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu: Khoảng 3 triệu tấn phân bón và nửa triệu tấn nông dược. Cuối cùng thì đất đai, sông ngòi phải gánh lượng này. "Song song đó, sông ngòi bị nhiều công trình cản trở, không còn chảy thông thương, vào mùa khô thì các cống ngăn mặn đóng im ỉm nên không còn nước lớn, nước ròng như xưa nữa. Do đó ô nhiễm tích tụ và không phân hủy được, làm cho sông ngòi ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng" - ông Thiện giải thích.
Giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn. Tốc độ nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3-4 lần và có nơi gấp 10 lần.
Để giải quyết vấn đề sụt lún, ĐBSCL phải gấp rút giảm ngay sử dụng nước ngầm. Thế nhưng, muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước thay thế. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, với vùng ven biển thì nên thuận theo tự nhiên, chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa thì cần phục hồi hệ thống sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm.
Chuyển hướng nông nghiệp thâm canh
Giải pháp chính hạn chế sụt lún ở ĐBSCL là chuyển hướng nền nông nghiệp từ thâm canh, chạy theo số lượng sang nông nghiệp giảm thâm canh, tập trung vào chất lượng và giá trị như tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo tinh thần Nghị quyết 120, cây lúa không phải ưu tiên hàng đầu nữa mà ưu tiên thủy sản, cây trồng khác rồi mới tới lúa và xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Do đó, nếu chuyển đổi canh tác theo hướng này thì nên giảm bớt việc ngăn sông ngòi bằng công trình, để sông ngòi thông thoáng hơn thì mới giảm được ô nhiễm.
"Nghị quyết 120 của Chính phủ kêu gọi tinh thần "thuận thiên". Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì, là phó mặc cho trời đất. Thuận thiên là phải hiểu và tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên để phải trả giá đắt" - ThS Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo.
Bình luận (0)