Có việc ở lại đêm tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và hôm sau quay về TP Đà Nẵng, tôi không đi đường cao tốc mà theo quốc lộ và các tỉnh lộ để được qua các vùng nông thôn cùng nhiều ký ức mà mình trải qua.
Nhiều kỷ niệm
Tôi chạy một mạch từ TP Tam Kỳ ra đến ngã ba Nam Phước (huyện Duy Xuyên). Đang sớm, Quốc lộ 1 vắng xe. Những thị trấn phía Bắc Tam Kỳ dường như còn ngái ngủ, trên đường chỉ có những chiếc xe máy của nông dân chở hàng ra chợ. Thăng Bình, Quế Sơn rồi Hà Lam, Quế Phú… lần lượt lùi sau lưng. Những vùng đất ấy tôi từng qua lại, quen biết nhiều người, tìm hiểu đôi điều từ lịch sử. Nhưng hãy để lúc khác. Còn hôm nay, tôi muốn ăn sáng ở quán bún bà Phấn nổi tiếng một thời trước khi tách Quốc lộ 1 rẽ lên ngã Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Thương hiệu Bún Phấn nổi tiếng hơn 50 năm qua. Người phụ nữ lấy tên mình đặt cho quán bún qua đời từ lâu nhưng con cháu vẫn giữ lại bảng hiệu này cho 2 tiệm ở phía Nam và Bắc thị trấn. Tiệm "Bún Phấn Tý" là của đứa cháu ngoại, ở phía Nam thị trấn, có món xáo thịt bò truyền thống với bún hoặc bánh mì khá ngon, nay có thêm món "xương nồi" nấu mềm thu hút nhiều khách hạng sang bởi giá 30.000 - 40.000 đồng đã không còn phù hợp dân quê.
Chủ quán gọi nhà thơ quá cố Nguyễn Trung Bình - tác giả tập thơ "Người trẻ dáng nâu" khá nổi tiếng - bằng cậu. Đứa cháu chủ quán vẫn nhớ như in những gì Bình viết trong nhật ký.
Còn tôi, tuy là bạn vong niên nhưng những ngày Bình được Trần Anh Hùng mời tham gia làm phim "Xích lô" ở TP HCM, vẫn nhớ những kỷ niệm với anh. Chủ nhật nào anh cũng đi chợ và trổ tài nấu bún bà Phấn cho anh em quê Quảng. Khi uống rượu, tôi thường bảo Bình đọc lại "Người trẻ dáng nâu" nhưng anh chỉ thích thơ mình viết cho Lương Triều Vỹ, đọc trong phim "Xích lô". Một đoạn tôi còn nhớ chính là viết về sông: "Với một dòng sông vô danh/Ta bật khóc chào trời xanh đất rộng/Lạch nước đen/Sâu hay nông?/Lớn cùng năm tháng ai trông đời mình/Vô danh người/Vô danh sông/Hoa thì vô sắc/Hương không thành lời". Thơ Bình cứ buồn buồn vậy mà gần mười năm kể từ ngày anh mất, tôi vẫn nhớ.
Từ ngã ba Nam Phước lên nhà thờ Trà Kiệu này nhắc tôi nhiều kỷ niệm nhưng có lẽ thương hiệu Bún Phấn và thơ Nguyễn Trung Bình là sẽ rất khó phai!
Trên đường từ thị trấn Nam Phước đến nơi có Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tôi ghé thăm một người quen trước chợ La Tháp, xã Duy Châu. Đây là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng họ Bùi như: bác sĩ Bùi Kiến Tín, nhà thơ Bùi Giáng, triết gia Bùi Văn Nam Sơn… Tiền hiền tộc Bùi Vĩnh Trinh chính là một trong các ngài đã lập ra "lục thôn", gồm: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù Bàn và An Lâm. Bia đá kỷ niệm trùng tu đình Lục thôn (gọi là Đình Châu) giữa thế kỷ XVIII còn ghi: "Đất linh, người giỏi, tiếng đồn vang khắp châu thôn. Người gần lấy làm hài lòng, kẻ xa rủ nhau kéo đến họp thành chợ đông vào lúc ban trưa, đến nay chưa ai quên được".
Có lẽ "chợ đông" chính là chợ La Tháp ngày nay sầm uất và là điểm dừng chân với nhiều du khách trước khi vào thăm khu đền tháp Mỹ Sơn. Quanh chợ nay có nhiều làng nghề truyền thống như gốm Cổ Tháp, chằm nón, nung gạch và có món mì Quảng gà nổi tiếng mang tên Tiếng Quý. Bùi Giáng có câu thơ mô tả quê hương: "Gió Lệ Trạch thổi qua Cổ Tháp" chính là ngọn gió thổi từ sông Thu Bồn vào làng ông! Nỗng cát Lệ Trạch giờ đã là thôn xanh biếc.
Những năm bao cấp, nhà máy sứ La Tháp và gạch nung La Tháp đã là các thương hiệu nổi tiếng ở đây nhờ vào chất đất sét có phẩm chất tốt trong vùng và tay nghề cao của thợ địa phương. Người từ Đà Nẵng thời ấy luôn tìm mọi cách để được "phân phối" gạch La Tháp về xây móng nhà vì chất lượng tốt. Phải chăng loại gạch xây các tháp ở Mỹ Sơn suốt ngàn năm vẫn còn nguyên vẹn và những mẫu đồ gốm mang dấu ấn tạo hình Chăm Pa của các nghệ nhân dân gian làng gốm Cổ Tháp ngày nay có một mối quan hệ chặt chẽ qua thời gian?
Có thể nhanh chóng hồi sinh
Sông Quảng Huế chảy qua xã Đại Cường, huyện Đại Lộc chính là "ống thông nhau" giữa hai sông lớn Thu Bồn và Vu Gia, tạo cân bằng về phong thủy cho vùng đất này. Giao Thủy là hòa vào nhau giữa hai con sông. Sau chiến tranh, cây cầu dã chiến nối làng Giao Thủy với làng Kiểm Lâm không còn. Giao thông cách trở nên kinh tế chậm tiến vì xa cách các đô thị lớn.
Đầu năm 2017, chiếc cầu dài hơn cây số hoàn thành đã xóa đi sự chờ đợi hơn 40 năm của cư dân hai bên bờ Thu Bồn. Thông thương nên chợ trong vùng phát triển. Du khách từ Đà Nẵng, Hội An muốn đến Mỹ Sơn cũng thuận lợi hơn. Tôi lại nghĩ đến tương lai vùng đất công nghiệp của khu kỹ nghệ An Hòa từng được chính quyền thực dân Pháp, Nhật và cả chính phủ Ngô Đình Diệm quan tâm đầu tư, cũng có thể nhanh chóng hồi sinh nếu Quảng Nam kêu gọi đầu tư vào đây, vì ngoài giao thông thuận lợi thì vùng này còn có năng lượng từ than đá và điện lưới quốc gia.
Tôi qua cầu Giao Thủy rồi cầu Quảng Huế, trực chỉ vùng B Đại Lộc. Những vùng đất đượm phù sa từ Bàu Tròn Đại Hòa đến Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong, Đại Thắng dần hiện ra. Vụ Đông Xuân chưa tới nhưng nhà nông ở đây đã sẵn sàng các biện pháp làm giống đầy sáng tạo của họ. Cây con được gieo cấy sẵn trên những giàn cao trong vườn để tránh lụt rồi đưa xuống đồng sau tiết 23-10, rút ngắn đáng kể thời gian sinh trưởng. Các lão nông trong vùng đất giàu phù sa này - chuyên làm hoa màu, rau củ, quả cung cấp cho thị trường khó tính Đà Nẵng, Hội An - nói mỗi sào canh tác theo kiểu thâm và xen canh cũng thu vài chục triệu đồng/năm như chơi, mà toàn rau sạch.
Nhà nào ở ven sông Quảng Huế và Vu Gia từ Đại Cường đến Đạ Minh cũng có nhiều sào đất trồng bắp hoặc cỏ đặc chủng để nuôi bò. Bò ở nhà lầu mà tôi kể ở phố các bạn tôi chẳng tin. Ở vùng thấp lụt Đại Cường ngày xưa người ta phải lùa bò lên núi, xa mà không an toàn khi nước lớn nhanh. Bây giờ, nhà nào cũng xây chuồng bò hai tầng bằng bê tông cốt thép, tích trữ rơm khô, thân cây bắp khô chuẩn bị cho mùa lụt. Nước lớn thì đưa bò lên tầng trên đã có thức ăn dự trữ. Mỗi sào cỏ, bắp đủ nuôi một con bò cao sản.
Hãy quay lại...
Đến thăm làng trống Lâm Yên nổi tiếng với câu ca "Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều" hay làng thuần nông Thanh Bình gần chợ Gia Cốc mới thấy những xóm làng bị cày trắng trong chiến tranh giờ dân cư đông đúc, đường sá quy hoạch nền nếp, thoáng rộng; nhiều kho hàng, hiệu buôn lớn, nhà thờ tộc họ khang trang.
Nghe nói đây là xã đầu đàn trong xây dựng nông thôn mới của Đại Lộc. Nhưng ấn tượng với tôi là chỗ khu di tích Văn Thánh của xã. Không rõ lý do gì ngày xưa cụ cử Mai Dị được Phong trào Duy Tân đưa về đây xây dựng thương điếm, trường học, trang trại theo chủ trương Duy Tân bên dòng Vu Gia. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên kể cụ Phan và các đồng chí trong lúc chuyện vãn ở Văn Miếu Gia Cốc vào năm 1904 đã quyết định cùng nhau "thế phát" (dùng kéo cắt hết những búi tóc) nhằm phát động những cải cách của Duy Tân. Đại Minh - Gia Cốc vì thế cũng từng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đầu thế kỷ XX chăng?
Những làng cổ ở vùng B Đại Lộc từng có tên trong Ô châu cận lục giữa thế kỷ XVI của Dương Văn An lại đi đầu trong canh tác nông nghiệp, từng mở ra phong trào cắt tóc thời Duy Tân và giờ là xây dựng "nông thôn mới" nói với tôi điều gì?
Hãy quay lại với những gì tôi biết về làng Cổ Tháp của dòng họ Bùi khai canh bên hữu ngạn Thu Bồn. Hãy quay lại với những ký ức về giấc mơ khu kỹ nghệ An Hòa một thời và cả những bạo động chống sưu thuế bắt nguồn từ làng Phiếm Ái bên kia sông Vu Gia và cả chiếc cầu Giao Thủy nối đôi bờ sau 40 năm cách trở. Tất cả dường như đang nói với tôi rằng người Quảng, trong huyết quản của họ, luôn khao khát tự do và canh tân.
Như một tiên cảm
"Vô danh người, vô danh sông" - những câu thơ của nhà thơ trẻ vắn số Nguyễn Trung Bình thật ra đã nói đến một vùng đất không vô danh ven hệ thống Thu Bồn - Vu Gia như một tiên cảm, dù cho mỗi cá thể có thể vô danh. Thi sĩ Bùi Giáng khi viết: "Em về mấy thế kỷ sau/Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?" là ông đã tự trả lời trong một câu hỏi như minh định: Tất cả sẽ thay đổi như một sứ mệnh chứ không thể khác. Thay đổi như thế nào còn là trách nhiệm của người đương thời trước dự báo của thi ca. Tôi nghĩ vậy khi ngao du qua vùng đất này.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)