Cũng ít ai ngờ điện mặt trời (ĐMT) trở thành một nguồn thừa thãi, đe dọa lớn đến an ninh năng lượng.
Nếu so với khuyến nghị của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về tỉ lệ tham gia của năng lượng tái tạo chỉ nên khoảng 20% để bảo đảm an toàn hệ thống thì tỉ lệ nguồn này hiện đã vượt khá nhiều - chiếm đến gần 25%. Đáng lưu ý, điện gió cũng được định hướng phát triển nhưng chưa được quan tâm tương xứng khi tỉ trọng nguồn này tính đến hết năm 2020 mới chiếm 1% tổng công suất đặt. Bài toán về thu xếp cơ cấu nguồn điện trong tương lai sao cho vừa đạt mục tiêu khuyến khích dòng năng lượng xanh, sạch vừa tránh bất ổn về an toàn lưới điện chỉ có thể trông cậy vào nguồn điện gió, cũng tức là cơ chế cho ĐMT phải khác đi để hạn chế những cơn sốt mới.
Giải pháp vừa mang ý nghĩa lâu dài vừa cần thiết trước mắt là huy động nguồn vốn đầu tư các tuyến truyền tải. Tuy nhiên, hai vấn đề chính dẫn đến vướng mắc trong đầu tư hệ thống truyền tải hiện không dễ tháo gỡ. Đó là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) và phạm vi độc quyền nhà nước trong xây dựng, vận hành các hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Về GPMB, các quy định về định mức đền bù GPMB công trình điện hiện không còn phù hợp trong điều kiện bùng nổ dự án điện tái tạo do tư nhân đầu tư. Kỳ vọng về lợi nhuận lớn mà chủ đầu tư thu được từ cơ chế giá ưu đãi khiến người dân các khu vực dự kiến có tuyến truyền tải phục vụ dự án yêu cầu mức đền bù khá cao, vượt nhiều lần so với định mức quy định. Ngành điện không thể chi trả, dẫn tới chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng sạch để triển khai công trình xây lắp. Về phía nhà đầu tư tư nhân, dù năng lực tài chính có thể cho phép chấp nhận mức đền bù cao nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về việc tính toán các chi phí này trong tổng chi phí đầu tư hợp lệ, nên bản thân họ cũng thường trực nỗi lo bị xuất toán về sau.
Về cơ chế đầu tư, Luật Điện lực hiện hành chưa làm rõ được phạm vi công trình truyền tải nào thuộc danh mục độc quyền nhà nước, công trình nào có thể cho tư nhân tham gia. Yêu cầu cấp bách cho giai đoạn tới là phải có cơ chế cho tư nhân làm đường truyền tải thương mại để giải quyết nhu cầu lên lưới cho hàng loạt dự án đã hoàn thành đầu tư. Bên cạnh đó, một đường truyền tải song song do nhà nước nắm giữ từ khâu xây dựng, vận hành và quản lý sẽ bảo đảm được vấn đề an ninh quốc gia, cũng hóa giải được "lấn cấn" khiến cơ quan quản lý đặc biệt cân nhắc việc cho tư nhân tham gia vào lưới điện hay không? Cơ chế lớn này đòi hỏi phải sửa Luật Điện lực để bảo đảm tính pháp lý tuyệt đối cho các bên tham gia.
Dòng điện vô tận từ thiên nhiên chỉ có thể phát huy hết giá trị của nó nếu được định hướng phát triển một cách bài bản với tầm nhìn dài, thay vì đi một bước - sửa một bước, khiến nhà đầu tư khó an lòng.
Bình luận (0)