Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn TP HCM tổ chức ngày 27-12, các DN nêu hàng loạt khó khăn trong quá trình hoạt động, trong đó bị tác động nhiều nhất là phải chịu nhiều loại phí và bị "khủng hoảng thừa".
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển, cảng sông tại TP HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành kinh doanh vận tải hàng hóa TP vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, bị tác động bởi nhiều mặt, từ năng lực vận tải cho đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng các quy định về thủ tục hành chính chưa phù hợp.
Tuy nhiên, năm 2017, số lượng phương tiện tăng cao nên DN làm ăn khó khăn hơn. Cụ thể, thống kê trên địa bàn TP trong năm nay cho thấy xe container tăng 27,8%, xe tải từ 3,5 tấn trở nên tăng 76%, trong khi sản lượng hàng hóa đường bộ chỉ tăng 7,5%.
Theo thống kê, lượng xe container năm 2017 tăng nhiều so với sản lượng hàng hóa, dẫn đến tình trạng "khủng hoảng thừa"
Vấn đề trên, theo ông Chánh, đã gây mất cân đối giữa nhu cầu và năng lực vận tải, tạo "khủng hoảng thừa". Thực trạng này đã khiến các DN vận tải phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức như giảm 50% mức giá hoặc thấp hơn giá thành để duy trì hoạt động và giữ chân khách hàng. Nhiều DN cũng đối phó bằng việc chở hàng quá tải để duy trì hoạt động và cân đối kinh doanh.
Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều DN bức xúc nhất là hiện nay là các trạm BOT trên địa bàn TP khá dày, trong khi DN vốn đã phải chịu phí bảo trì đường bộ mỗi năm, dẫn đến chi phí đầu vào của cũng tăng theo.
Nhiều DN cho biết ngoài việc phải đóng phí qua các trạm BOT, phí bảo trì đường bộ quy định mỗi năm một xe container phải đóng khoảng 17,2 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều DN vận tải cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái (quận 2), đường Nguyễn Văn Linh (quận 7)... đã làm mất thời gian, tăng chi phí vận tải... nên dù họ đã đóng các loại phí theo quy định nhưng đường kẹt khiến xe không thể lưu thông.
Ông Lâm Đại Vinh, Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, cho rằng hiện DN cùng lúc phải đóng phí BOT và đóng phí bảo trì đường bộ là quá cao. Tuy nhiên, ông Vinh dẫn chứng với mức phí như vậy nhưng phương tiện của DN ông khi lưu thông qua vòng xoay Mỹ Thủy phải mất tới nửa ngày do ùn tắc, việc này không phù hợp.
"Xe không chạy được nhưng vẫn phải nổ máy nên không chỉ phát sinh chi phí về xăng dầu, ảnh hưởng sức khỏe tài xế mà còn làm ô nhiễm môi trường. Chưa kể, kẹt xe còn khiến DN giao hàng trễ hẹn, làm mất uy tín trong quá trình hoạt động" - ông Vinh nói.
Các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (quận 2) như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống... thường xuyên xảy ra kẹt xe
Ngoài ra, tại buổi đối thoại, nhiều DN cho rằng các biển báo tải trọng và thời gian lưu thông ở một số tuyến đường như Quốc lộ 1, Nguyễn Văn Linh chưa phù hợp nên cần điều chỉnh. Nhiều quy định về các thủ tục hành chính không cần thiết, nên giảm bớt để tạo thuận lợi cho DN hoạt động.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, sở đã nhận được một số phản ánh, kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP liên quan đến việc tăng cường xử lý tình trạng xe chở quá tải, điều chỉnh một số biển báo giao thông cũng như khung giờ cho các loại xe lưu thông... Thời gian qua, Sở GTVT đã khảo sát và đánh giá cụ thể trên từng tuyến đường để tiến hành điều chỉnh.
Sở GTVT TP cho biết đang xây dựng về mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh trên địa bàn TP. Những nội dung trên đang được tổng hợp ý kiến từ các sở-ngành liên quan để hoàn chỉnh trình UBND TP HCM thông qua, trong đó có điều chỉnh quy định về bán vé lượt, vé tháng và vé quý.
Bình luận (0)