xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"ĐỘC LẬP HAY LÀ CHẾT!"

PGS-TS HÀ MINH HỒNG

Ngày 2-9-1945, Sài Gòn - Nam Bộ ngay từ những giờ phút đầu tiên của nền cộng hòa đã sôi sục tinh thần "độc lập hay là chết". Người dân của đất nước vừa được "quyền hưởng tự do, độc lập" thấm nhuần ngay ý chí phải hành động

Cuộc phá ngục Bastille ngày 14-7-1789 đã khởi nguồn cho đại cách mạng tư sản Pháp, để sau đó Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng được Hội nghị Lập hiến của chính quyền cách mạng thông qua và công bố năm 1791 với những lời bất hủ: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Sức mạnh quật khởi

Đầu thế kỷ XX, cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông đêm 25-10 lịch Nga cũ (tức ngày 7-11-1917), đã đưa cách mạng vô sản vì "hòa bình, ruộng đất, bánh mì" phát triển đến "10 ngày rung chuyển thế giới". Đỉnh cao là sự toàn thắng của chính quyền Xô viết với sự ra đời Sắc lệnh Hòa bình, Sắc lệnh Ruộng đất và Bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc được thông qua ngày 2-11-1917 (lịch Nga cũ).

Tròn 10 năm sau, Nguyễn Ái Quốc trên con đường "Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi" (Chế Lan Viên) đã nhận ra "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối" ("Đường kách mệnh", 1927). Từ ánh sáng "mặt trời chói lọi" Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc chọn con đường cách mạng cho Việt Nam: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Theo con đường ấy, cách mạng Việt Nam vận động theo cách sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trải qua 15 năm chuẩn bị (1930-1945), bão táp Cách mạng Mùa Thu (tháng 8-1945) được tạo thành, có sức lôi cuốn tất cả lực lượng và thành phần nhân dân hợp thành sức mạnh quật khởi của toàn dân tộc.

Chỉ 15 ngày "tự ta giải phóng cho ta", nhân dân đã giành chính quyền trong phạm vi toàn quốc. Chỉ 5 ngày sau khi các địa phương cuối cùng ở đất liền và hải đảo tổng khởi nghĩa thắng lợi, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (do Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra) đã cải tổ thành Chính phủ Lâm thời và ra mắt quốc dân đồng bào.

Chiều 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, trước hàng chục vạn người dự Lễ mít tinh mừng Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

"Đi trước về sau"

Chính trong buổi chiều 2-9-1945 lịch sử ấy, cùng lúc với các tỉnh, thành cả nước, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã tổ chức Lễ Độc lập tại Sài Gòn.

Sách "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" chép: "Do đài phát (ở Hà Nội) và máy thu (ở Sài Gòn) đều quá cũ kỹ nên việc tiếp sóng không thực hiện được. Thay vào đó, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu với nhân dân Nam Bộ".

Ông Trần Văn Giàu nhấn mạnh: "Việt Nam, từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập… Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu...". Ông nhắc nhở: "Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (...). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ". Kết thúc bài diễn văn, ông kêu gọi đồng bào "cương quyết chống mọi sự xâm lăng" và "hãy sẵn sàng chiến đấu".

ĐỘC LẬP HAY LÀ CHẾT! - Ảnh 1.

TP HCM cùng cả nước đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, thực hiện “quyền hưởng tự do và độc lập”. Trong ảnh: “Đường cờ Tổ quốc” do Báo Người Lao Động phối hợp với Quận Đoàn 11, TP HCM thực hiện tháng 8-2023, nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 Ảnh: Ý Linh

Tiếp đó, đại diện Tổng Công đoàn Nam Bộ thay mặt nhân dân Nam Bộ long trọng tuyên thệ: "Cương quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi quyết: Không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không dẫn đường cho Pháp"!

Cuộc mít tinh mừng độc lập nhanh chóng chuyển thành cuộc tuần hành. Báo chí thời đó mô tả: Từng đoàn người đi trật tự dưới những biểu ngữ giăng ngang đường viết bằng chữ Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga: "Độc lập hay là chết!", "L’Indépendance ou la mort", "Independence or death", "Việt Nam dân chủ muôn năm", "Vive le Viet Nam démocratique", "Viet Nam democracy for ever"… Khi các đội dân quân diễu hành rầm rập qua lễ đài thì tiếng quân nhạc, tiếng hoan hô, vỗ tay nổi lên như sấm dậy, tưởng chừng như muốn nổ tung một khoảng bầu trời Sài Gòn.

Khi đoàn diễu hành vừa qua khỏi Nhà thờ Đức Bà, một số tên Pháp núp trên lầu cao của hãng Jean Comte (nay là cao ốc Diamond Plaza) xả súng xuống. Một số người dân bị thương vong. Không ai bảo ai, nhiều thanh niên leo qua rào, chạy lên lầu trấn áp những kẻ khiêu khích. Lời cảnh báo của người đứng đầu Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ trong diễn văn vừa đọc đã thành hiện thực: Thực dân Pháp "toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào" ("Lịch sử Nam Bộ kháng chiến").

Như thế, ngày 2-9-1945, Sài Gòn và cả Nam Bộ ngay từ những giờ phút đầu tiên của nền cộng hòa đã sôi động tinh thần "độc lập hay là chết". Người dân của đất nước vừa được "quyền hưởng tự do và độc lập" thấm nhuần ngay ý chí phải hành động.

"Độc lập hay là chết!" - với tinh thần ấy, trước thử thách đầu tiên "sơn hà nguy biến" ngày 23-9-1945, Sài Gòn - Nam Bộ đã kiên quyết nêu cao ý chí "quyết đánh" từ "Hội nghị Cây Mai". Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", khi "thù trong giặc ngoài" đe dọa vận mệnh nền độc lập, lúc hòa bình, nhân nhượng không thể cứu vãn, Sài Gòn - Nam Bộ đã "đi trước về sau", cùng cả nước bước vào kháng chiến trường kỳ, "gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn".

Hơn 20 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975), nhất là khi chiến tranh lan ra cả nước, "chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước", Sài Gòn - Nam Bộ đã kiên cường cùng quân dân hai miền Nam - Bắc nêu cao chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", đem "tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải" chống chiến tranh xâm lược thực dân mới.

Đẩy mạnh Đổi mới

Khi non sông vừa liền một dải, dù "mang trên mình còn lắm vết thương", Sài Gòn - TP HCM đã cùng cả nước "hiên ngang ra chiến trường" giữ biên cương từ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc, từ đất liền đến quần đảo Trường Sa.

Vậy là, khi dân tộc tái sinh, làm "mát dạ ông cha nghìn thuở trước", Sài Gòn và Nam Bộ đã 30 năm cùng cả nước nêu cao ý chí "độc lập hay là chết" để bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc, kiến thiết nền dân chủ cộng hòa.

Khi bước vào thế kỷ mới, TP HCM cùng cả nước đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, thực hiện "quyền hưởng tự do và độc lập" trong xây dựng, phát triển và hội nhập, làm đầu tàu trong việc hướng đến dân giàu, nước mạnh, hạnh phúc, phồn vinh. 

Trên cơ sở "những lẽ phải không ai chối cãi được", Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam khẳng định: "Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa".

Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập". Tuyên ngôn Độc lập tuyên thệ: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo