Do muốn vào biên chế, cô giáo cấp 1 đang dạy hợp đồng tại một trường ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã quan hệ tình cảm với ông hiệu phó phụ trách chuyên môn của trường và chấp nhận để ông này quay clip sex. Sau khi cô giáo đòi chia tay, ông hiệu phó tung clip lên mạng tống tình.
Chịu không nổi cách hành xử đồi bại của ông này, cô giáo phải tố cáo và cầu cứu khắp nơi. Theo lời tố cáo, sau khi xin được dạy hợp đồng ở trường này, cô luôn bị ông hiệu phó gạ gẫm chuyện sex. Hiệu phó hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cô trong công tác giảng dạy, lo vào biên chế nếu chịu quan hệ tình cảm với ông ta. Và cô giáo đã chấp nhận đánh đổi.
Hiện cô giáo không được tiếp tục ký hợp đồng với trường nữa, gia đình mất hạnh phúc. Ông hiệu phó cũng bị kỷ luật, không tái bổ nhiệm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi xúc phạm danh dự người khác.
Tạm không bàn chuyện đúng sai, đạo đức, phi đạo đức… trong chuyện này, ở đây chỉ nói về chuyện biên chế giáo viên trong cuộc khủng hoảng sư phạm sâu sắc đang diễn ra trong ngành giáo dục nước ta.
Biên chế giáo viên cho đến nay vẫn ám ảnh các thầy cô giáo. Mới đây, hơn 600 giáo viên hợp đồng ở tỉnh Đắk Lắk bị đe dọa mất việc khi lãnh đạo các huyện tuyển dụng ồ ạt nhưng không có nhiệm sở để dạy. Năm 2016, ở Thanh Hóa, gần 600 giáo viên hợp đồng cũng lâm vào hoàn cảnh như thế. Cái giá tuyển dụng hợp đồng bao nhiêu, ai cũng hiểu. Và sau đó, muốn vào được biên chế, dù phải thi, giá bao nhiêu nữa, ai cũng biết. Vậy mà vẫn có nhiều người muốn "chạy" cho được biên chế giáo viên. Trong khi đồng lương không đủ sống nhưng các giáo viên hợp đồng thi vào biên chế vẫn chi tiền "chống trượt" và nhiều khoản chi khác. Đó là nghịch lý rất khó hiểu của ngành sư phạm.
Câu chuyện đổi sex lấy biên chế của nữ giáo viên ở Đắk Lắk chỉ là cá biệt nhưng cũng cho thấy một phần bức tranh khủng hoảng của ngành sư phạm.
Còn nhớ cách đây mấy tháng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng tuyên bố sẽ bỏ biên chế trong ngành giáo dục, giáo viên được tuyển dụng bằng cách ký hợp đồng như các ngành nghề khác. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nếu làm được như thế sẽ giải phóng sức ì, tạo động lực để ngành giáo dục phát triển. Thông tin này gây nhiều tranh cãi trong dư luận nhưng được nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ. Sau đó, Chính phủ khẳng định trước mắt chưa thực hiện việc bỏ biên chế với giáo chức.
Trên thực tế, chuyện tống tiền (hối lộ, buộc hối lộ) để lấy biên chế trong ngành giáo dục từng xảy ra. Còn chuyện tống tình, đổi sex lấy biên chế thì cá biệt nhưng nó cho thấy việc trụ lại trong nghề giáo cao quý hết sức khốc liệt và cũng đầy đắng cay.
Hệ thống giáo dục nước ta bất cập từ nhiều năm qua, nay đã đến lúc phải đổi mới cơ chế quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm, tài chính, để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học.Nếu không, cuộc khủng hoảng sư phạm sẽ còn kéo dài.
Bình luận (0)