xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ thẻ vàng IUU: Nghiêm nhưng cần khéo

Hồng Ánh - Kỳ Nam

Các ngư dân đồng thuận nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, tuy nhiên, việc quản lý khai thác cá, đưa cá vào bờ của cơ quan chức năng cần khoa học, hiệu quả hơn

Ngày 5-5, Ban Quản lý cảng cá tỉnh Phú Yên xác nhận đã thông báo đến các chủ tàu cá về việc sẽ không làm thủ tục nhập cảng đối với những tàu cá chuyển tải nếu không có nhật ký khai thác, nhật ký chuyển tải của tàu gửi cá về cảng để xác định nguồn gốc cá khai thác. Các chủ tàu cũng được thông báo không đăng ký thêm nghề dịch vụ hậu cần đối với tàu cá chuyển tải.

Nhiều khó khăn

Trước đó, Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nhận nhiều phản ánh từ ngư dân về nguy cơ tàu cá phải nằm bờ do lỗ chuyến biển nếu không cho gửi cá đánh bắt được theo tàu trong tổ đội như trước đây.

Gỡ thẻ vàng IUU: Nghiêm nhưng cần khéo - Ảnh 1.
Gỡ thẻ vàng IUU: Nghiêm nhưng cần khéo - Ảnh 2.

Tàu cá vào cảng Hòn Rớ - cảng duy nhất ở Khánh Hòa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản .Ảnh: KỲ NAM

Ông Đặng Văn Đoàn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá PY-96356-TS ở phường 6, TP Tuy Hòa, cho biết lâu nay đội tàu Sông Đà khai thác cá ngừ đại dương của ông mỗi khi ra khơi đánh bắt được bao nhiêu thì sẽ cử một tàu chở toàn bộ số cá đánh bắt được của cả đội về trước. Các tàu còn lại sẽ đánh bắt thêm. "Làm như vậy vừa bảo đảm chất lượng cá vì không phải bảo quản lâu ngày trên tàu vừa giảm chi phí chuyến biển. Giờ không cho như vậy mà có chuyến chỉ khai thác được 5 hoặc 10 con cá cũng phải quay vào bờ thì chỉ có lỗ" - ông Đoàn phân tích.

Ông Lương Công Xuyên - chủ tàu PY-90144-TS, đội trưởng đội tàu Hải Dương gồm 12 chiếc ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - đánh giá nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) là nỗ lực chung của ngư dân và toàn hệ thống chính trị. Gửi cá về đòi hỏi phải gửi kèm nhật ký khai thác, nhật ký chuyển tải để xác định nguồn gốc cá khai thác ở vị trí nào, có vi phạm hay không là đúng. Tuy nhiên, quy định phải có thêm nghề dịch vụ hậu cần, theo ông Xuyên, điều này không xác định nguồn gốc cá khai thác, trong khi đăng ký thêm nghề không dễ khi đang mùa ra khơi.

Còn theo ngư dân Trần Khắc Thạch, chủ tàu KH-99766-TS ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh có 4 cảng cá được công bố theo Luật Thủy sản là các cảng Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh. Tuy nhiên, chỉ cảng cá Hòn Rớ đủ điều kiện thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác nên gây nhiều khó khăn cho ngư dân.

Nhiều việc cần làm

Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Phú Yên, cho hay việc thông báo cho các chủ tàu ở trên xuất phát từ hội nghị giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 28 tỉnh, thành ven biển ngày 21-4 vừa qua. Lần đó, sau khi đoàn kiểm tra cảng cá Quy Nhơn thì phát hiện một tàu cập cảng với số cá nhiều hơn nhật ký khai thác. Hỏi ra mới biết tàu cá này nhận chuyển cá các tàu bạn trong khi chưa có nghề dịch vụ hậu cần, chỉ có nghề khai thác trong giấy phép.

"Bộ đã chỉ ra như vậy là không đúng quy định. Khi về, chúng tôi rà soát thì nhiều tàu cá Phú Yên cũng vậy. Vì thế chúng tôi đã thông báo, tuyên truyền cho ngư dân ngoài nhật ký khai thác, nhật ký chuyển tải thì tàu nhận chở cá của tàu bạn vào cảng phải có nghề dịch vụ hậu cần" - ông Viên nói. Ông Viên cho biết toàn tỉnh Phú Yên chỉ có khoảng 20 tàu lưới vây trong lộng ở thị xã Đông Hòa có đăng ký thêm nghề dịch vụ hậu cần, còn lại toàn bộ tàu khai thác cá ngừ đại dương vùng biển khơi ở Phú Yên không tàu nào có thêm nghề này.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, kể lâu nay, các cán bộ ngành thủy sản thấy ngư dân khó khăn nên du di bỏ qua chứ quy định để nỗ lực gỡ thẻ vàng đã có từ lâu. "Bây giờ nghề cá không thể tùy tiện được. Anh có chức năng, nhiệm vụ thì mới làm, không thì thôi, chứ anh tự làm là vi phạm. Vì vậy ngư dân phải chịu khó đến đăng ký thêm nghề dịch vụ hậu cần đi. Có nghề này thì anh mới chuyển tải cá được. Ngành thủy sản sẽ tạo điều kiện về thủ tục nhanh gọn" - ông Phương nói.

Còn theo UBND tỉnh Khánh Hòa, để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU, địa phương kiến nghị các cơ quan liên quan sớm có phương án hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, sớm đàm phán phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan nhằm quản lý hoạt động khai thác thủy sản tốt hơn.

Tăng cường các lực lượng tuần tra trên các vùng biển nhằm góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt thủy sản trái phép và kịp thời hỗ trợ, cứu hộ tàu cá Việt Nam khi gặp nạn trên biển… cũng là những việc cần làm. 

Không gây phiền hà cho ngư dân

UBND tỉnh Bình Thuận ngày 4-5 có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cũng liên quan việc thắt chặt đánh bắt để gỡ thẻ vàng IUU, ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, thông tin tỉnh siết chặt các quy định về khai thác thủy sản nhưng không cấm ngư dân gửi hải sản đánh bắt được. "Hiện tại tỉnh Ninh Thuận không thực hiện quy định này. Chúng tôi thực hiện nghiêm quy định trong khai thác thủy sản nhưng không gây phiền hà cho ngư dân" - ông Tín nói.

Châu Tỉnh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo