xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng Trung Quốc báo hại đặc sản Đà Lạt

Bài và ảnh: ĐÌNH THI

Lô hàng hơn 10 tấn dâu tây Trung Quốc nhập về trái phép bị giữ tại Cảng Hàng không Liên Khương sau hơn 20 ngày vẫn tươi rói là nhờ được bơm thuốc trừ sâu nhiều hơn 3 lần mức cho phép!

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), cho biết vào ngày 30-7. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng) tiết lộ: Kết quả thử nghiệm mẫu dâu tây xuất xứ Trung Quốc lấy từ lô hàng dâu tây của ông P.T.S.

Rất độc hại, nguy hiểm

Cụ thể, qua phân tích 60 chỉ tiêu theo Thông tư 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong thực phẩm, có 1 hoạt chất thuốc BVTV là Abamectin có kết quả 0,063 mg/kg - vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép. Với kết quả trên, Phòng Kinh tế Đà Lạt đề nghị Công an TP Đà Lạt căn cứ các quy định hiện hành củng cố hồ sơ và xử lý theo quy định.

Ông Tr.Th.H (56 tuổi; ngụ phường 7, TP Đà Lạt) canh tác 1,5 ha rau quả nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 8 sào (800 m2) dâu tây Đà Lạt, chia sẻ rằng việc dâu tây Trung Quốc nhập về mạo danh dâu tây đặc sản Đà Lạt là chuyện rất cũ, diễn ra thường xuyên nhiều năm nay. Hầu hết người dân Đà Lạt canh tác các loại rau củ quả khác như khoai tây, hồng, cà rốt… đều biết nhưng thương lái rất tinh vi nên dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. "Dâu tây Trung Quốc giá rất rẻ nhập về Đà Lạt thường xuyên nhưng vào mùa thu hoạch rộ thì ít người quan tâm. Mùa này, dâu tây Đà Lạt đang khan hàng nên các thương lái nhập về ồ ạt nên mới bị phát hiện" - ông H. nói thêm.

Hàng Trung Quốc báo hại đặc sản Đà Lạt - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn dâu tây Trung Quốc nhập trái phép vào Đà Lạt có dư lượng thuốc trừ sâu gấp 3 lần cho phép

Cũng theo ông H., dư lượng Abamectin là thuốc BVTV có thời hạn phun xịt trên cây trồng trong vòng 7-10 ngày. "Họ (người Trung Quốc hoặc thương lái - PV) không chỉ phun xịt mà có thể ngâm trực tiếp dâu tây vào thuốc, do vậy rất độc hại, nguy hiểm vô cùng cho sức khỏe con người, chứ không đơn thuần là ảnh hưởng đến tiếng tăm, thương hiệu của đặc sản dâu tây Đà Lạt…" - ông H. nhấn mạnh.

Lắt léo đường đi

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm 2020, dâu tây Trung Quốc giá rẻ đều đặn nhập về Đà Lạt qua nhiều đường khác nhau để trà trộn, "đội lốt" dâu tây Đà Lạt rồi đưa về TP HCM và các tỉnh, thành khác tiêu thụ với giá cao gấp 3-4 lần. Vừa qua, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), kiểm tra đột xuất và bắt giữ 3 xe tải chở khoảng 3,5 tấn dâu tây không rõ nguồn gốc được đưa từ Cảng Hàng không Liên Khương về TP Đà Lạt. Trên 326 thùng xốp này có chữ Trung Quốc được đóng cẩn thận. Khuya 22-7, Công an huyện Đức Trọng bắt thêm 7 tấn dâu tây Trung Quốc. Hiện lực lượng chức năng triệu tập những chủ vựa để lấy lời khai, đồng thời phối hợp Công an TP Hà Nội và các cửa khẩu giáp ranh Trung Quốc điều tra, làm rõ nguồn hàng.

Theo cơ quan chức năng TP Đà Lạt, số dâu tây Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ này được vận chuyển từ tỉnh Lào Cai qua sân bay Nội Bài (Hà Nội), "quá cảnh" sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) rồi mới bay ngược lên sân bay Liên Khương (Đà Lạt) để phân phối cho các vựa, đại lý kinh doanh dâu tây tại đây. Tất cả những lô hàng dâu tây Trung Quốc bị bắt giữ có trọng lượng lên đến hơn 10 tấn; đều ghi tên, số điện thoại người nhận ngoài thùng xốp nhưng khi lực lượng chức năng liên lạc thì các chủ hàng từ chối nhận hoặc hứa nhưng không tới để lập hồ sơ xử lý.

Ngăn chặn "rất khó"!

Ông Nguyễn Đức Cứ cho biết thêm nhiều ngày qua, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt phối hợp với các phường, xã tăng cường kiểm tra các quầy và điểm bán dâu tây trên địa bàn nhằm ngăn chặn việc nhập dâu tây Trung Quốc giá rẻ và đội lốt dâu tây Đà Lạt nhằm thu lợi lớn. Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã giao các sở hữu quan vào cuộc, quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm thương hiệu đặc sản Đà Lạt. "Nhưng phải nói là việc ngăn chặn hàng Trung Quốc đội lốt đặc sản Đà Lạt rất khó, vì không thể cấm nhập hàng Trung Quốc vào Việt Nam nếu có đủ hóa đơn, chứng từ và đã qua các khâu kiểm định an toàn. Vấn đề ở đây là nếu người bán để nguyên nhãn mác hoặc ghi rõ nguồn gốc hàng Trung Quốc để người tiêu dùng không nhầm lẫn thì không có gì phải bàn. Cái khó là làm sao phát hiện hàng Trung Quốc nhưng người bán nói "đặc sản Đà Lạt" để xử lý. Vì hám lợi, các thương lái đua nhau mạo danh đặc sản Đà Lạt khiến người tiêu dùng bị oan, đó là chưa nói tới vấn đề an toàn thực phẩm" - ông Phạm S phân trần. 

Tháng 5-2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” và một số đặc sản khác cho UBND TP Đà Lạt. Đến tháng 7-2020, UBND TP Đà Lạt đã tổ chức trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu. Tại buổi lễ công bố có 26 cá nhân, đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt”. Trong đó, có 10 cá nhân và đơn vị trồng, kinh doanh dâu tây; 16 cá nhân, đơn vị trồng, sản xuất hồng ăn trái. Việc cấp chứng nhận này nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín cho mặt hàng đặc sản Đà Lạt.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Hàng Trung Quốc báo hại đặc sản Đà Lạt - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo