Thực hư về thủ phạm đang được xác minh nhưng vết thương tàn khốc trên mặt bé gái là có thật. Vết thương rồi sẽ lành nhưng chắc chắn chẳng bao giờ khép miệng trong tâm hồn của cô bé. Dấu tích trên đã thành vết thương của xã hội.
Chỉ vài ngày trước, Công an TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã bắt khẩn cấp một phụ nữ giúp việc nhà bạo hành bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi. Bé gái này chỉ vì khóc mà đã bị quăng quật, đánh vào đầu không thương tiếc. Phóng sự điều tra khác của một cơ quan truyền thông tại TP HCM cũng phơi bày thực trạng các cháu bé bị người giữ trẻ đánh bất ngờ vào mặt bật ngửa, nắm chân ném xuống sàn... mà không vì bất cứ nguyên cớ gì. Hơn 10 đứa trẻ hoảng loạn, câm nín hãi sợ trước các hung thần thẳng tay hành hạ...
Thực tế không kém tàn bạo hơn, hằng ngày có hàng ngàn đứa trẻ đang lê la trên hè phố kiếm ăn bằng mọi cách. Nhiều đứa trẻ co ro trong đêm lạnh giữa các ngã tư xin những đồng bạc lẻ. Sau lưng chúng là những kẻ chăn dắt mà nhiều khi chính là cha mẹ ruột. Với các em, trường học là nơi xa xỉ và vui chơi chỉ là giấc mơ.
Những câu chuyện xót xa này đang diễn ra một cách phi lý hằng ngày mà bao năm qua, cả xã hội không ngăn chặn được. Từ trung ương đến địa phương, cấp quản lý nào cũng có cơ quan phụ trách chuyên ngành trẻ em nhưng hiệu quả tới đâu? Ai cũng thấy, ai cũng đau nhưng nhiều đứa trẻ vẫn sống trong tủi hận, những bàn tay tàn bạo vẫn không được ngăn chặn. Không ít người muốn lấp liếm thực trạng này khi cho rằng đây chỉ là số ít, hầu hết những trẻ khác đang sống hạnh phúc. Nhưng đừng quên rằng dù ít đến đâu thì đó cũng là những thân phận bị tước đi quyền cơ bản là được sống đàng hoàng. Huống chi con số này chẳng ít chút nào.
Một câu chuyện đã khá xa: Năm 1992, cô bé 12 tuổi Severn Cullis Suzuki người Canada đã làm câm lặng hàng ngàn đại biểu các nước tại Hội nghị Trái đất của Liên Hiệp Quốc. Bài phát biểu của Suzuki mở đầu: "Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình... Tôi đến đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy...". Trẻ em có quyền hiển nhiên đòi hỏi tương lai thuộc về mình mà người lớn dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải có trách nhiệm lắng nghe.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em gần 30 năm. Công ước này là cam kết bảo vệ, phát triển và tôn trọng mọi quyền về trẻ em. Gần hơn, tháng 4-2016, Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em với 7 chương, 106 điều, quy định đầy đủ tất cả quyền của trẻ em và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức.
Phải cứu những đứa trẻ bất hạnh, nếu không bằng trách nhiệm thì hãy bằng lòng xót thương!
Bình luận (0)