Theo thông tin mới nhất mà Báo Người Lao Động nhận được, để tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động của cảng biển, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa làm việc với lãnh đạo các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa, Đăng kiểm về cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao thị phần vận tải đường biển, tàu pha sông biển.
Trình độ khai thác hạn chế
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, từ tháng 4-2014 đến tháng 9-2017, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu VR-SB (thông qua cảng biển) cả nước là 31,5 triệu tấn. Trong đó, khoảng 70% hàng container được vận chuyển bằng đường biển, 30% còn lại (chủ yếu là hàng đông lạnh, thủy hải sản…) do nhu cầu vận chuyển nhanh nên đi bằng đường bộ.
Đội tàu hiện nay cơ cấu khá đa dạng, bảo đảm nhu cầu vận tải nội địa, trang thiết bị kỹ thuật cơ bản đáp ứng quy định của pháp luật và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đặc biệt được chính sách bảo hộ quyền vận tải nội địa. Tuy nhiên, tuổi tàu cao, trình độ khai thác tàu còn hạn chế.
Việt Nam có hệ thống cảng biển trải dài theo bờ biển. Nhiều bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn, có thể trở thành mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu. Thế nhưng, hệ thống cảng biển chưa được kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông, công tác phối hợp quản lý đầu tư chưa chặt chẽ, dịch vụ logistics còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, nguồn nhân lực có tay nghề, kinh nghiệm để điều hành hiện còn thiếu.
Do đó, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp phát triển đội tàu vận tải biển nội địa, giải pháp về thuyền viên, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đồng thời tăng cường kết nối các phương thức vận tải.
Theo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, để nhóm cảng biển Đông Nam Bộ phát triển, phải nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tạo điều kiện tốt nhất cho các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế phục vụ hàng hóa của các nước trong khu vực và hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực miền Bắc, miền Trung. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa giữa khu vực Cái Mép - Thị Vải kết nối với Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương; triển khai tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 4 tại TP HCM.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng để thúc đẩy cảng biển Đông Nam Bộ phát triển, Chính phủ cần ban hành quy chế đặc biệt cho khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc quy hoạch, quản lý, thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, cần từng bước hiện đại hóa và tăng cường công tác quản lý luồng. Cảng vụ hàng hải khu vực cần được nâng cấp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực đủ mạnh để quản lý luồng một cách chặt chẽ, thường xuyên.
"Ưu tiên" để phát triển
Theo Cục Hàng hải, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực Cát Lái đã gây nhiều hệ lụy cho giao thông vận tải ở TP HCM cũng như việc khai thác tiềm năng cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong khi đó, tiến độ đầu tư các tuyến đường kết nối các khu vực còn chậm. Một số cầu có tĩnh không chưa thuận tiện cho các tàu có khối lượng vận tải lớn lưu thông.
Cũng theo Cục Hàng hải, để nâng cao hiệu quả cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT cần đề nghị nhà đầu tư phát triển trung tâm logistics để thúc đẩy các dịch vụ tại khu vực Cái Mép và thu hút hàng trung chuyển đến cảng. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển các KCN dọc Quốc lộ 51 để cung cấp hàng hóa tại chỗ cho các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải. UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các depot công rỗng và các bãi xe tải để thuận lợi cho việc trao đổi và tổ chức vận tải hàng hóa đến các cảng biển trong nhóm 5.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng để cảng biển phát triển, thúc đẩy vận tải thủy nội địa và ven biển, các đơn vị cần xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp. Việc phát triển vận tải thủy không chỉ làm giảm áp lực mà còn giúp bảo vệ, kéo dài tuổi thọ cho hệ thống giao thông đường bộ.
"Vận tải thủy của Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, vẫn chưa phát triển. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh. Ông yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại các nghị định, thông tư xem có những điểm nào chưa phù hợp để điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Về logistics, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Vụ Vận tải phối hợp với các cục, hiệp hội, doanh nghiệp để có báo cáo hoàn chỉnh và tổ chức hội nghị toàn quốc trong tháng 3-2018. Từ đó, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hoạt động logistics, kết nối được các loại hình vận tải, tạo đột phá cho vận tải thủy nội địa và vận tải biển.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất cụ thể hơn về việc giảm thuế cho vận tải thủy, ưu đãi về tiếp cận vốn ngân hàng cho đóng tàu, có cơ chế tài chính khuyến khích đào tạo cũng như chế độ đãi ngộ đối với thuyền viên và nguồn nhân lực vận tải thủy nói chung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cần liên doanh, liên kết với các tập đoàn lớn trong nước để tạo nguồn hàng ổn định, kết nối được các loại hình vận tải khác nhau để nâng cao thị phần vận tải.
Đề xuất kết nối cảng
Để bảo đảm hiệu quả khai thác cảng, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương chỉ đạo sớm triển khai một số dự án.
Cụ thể: dự án đường bộ kết nối các bến cảng khu vực Cát Lái, Phú Hữu (quận 9, TP HCM) ra đường vành đai 2 để giảm tải cho đường Nguyễn Thị Định; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải kết nối các bến cảng khu vực Phú Mỹ. Triển khai nghiên cứu dự án nâng cấp tuyến đường trục Bắc - Nam kết nối với từ đường Vành đai 2 đến khu bến Hiệp Phước để làm cơ sở triển khai đầu tư đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác cảng trong thời gian tới. Sớm hoàn thiện nghiên cứu dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam để làm cơ sở đề xuất các tuyến vận tải thủy kết nối bến cảng Cái Mép - Thị Vải với các vùng hậu phương và qua Campuchia.
Bình luận (0)