xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Kè xanh" phòng sạt lở

VĨNH KỲ - VÂN DU

Nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang chủ động áp dụng nhiều giải pháp ít tốn kém để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của gia đình trước tình trạng sạt lở bủa vây

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng đến đời sống nhiều hộ dân vùng ĐBSCL. Trong đó, đáng báo động là tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, kênh rạch nội đồng đã và đang đặt người dân đứng trước nguy cơ trắng tay và đối mặt nguy hiểm đến tính mạng.

Hiệu quả từ cây bần

Tại tỉnh Đồng Tháp, tình hình sạt lở những năm qua diễn ra rất nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp, từ năm 2005 - 2020, tổng diện tích đất sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 330 ha, bình quân 22 ha/năm, thiệt hại ước tính 415 tỉ đồng. Sạt lở cũng làm chết 1 người. Đứng trước tình hình đó, Đồng Tháp buộc phải đi tìm những giải pháp phù hợp, có giá trị bền vững. Và đến tháng 5-2023, giải pháp trồng cây bần tại các bờ kênh, bờ sông, những nơi có nguy cơ sạt lở đã được tỉnh chính thức phát động.

Kè xanh phòng sạt lở - Ảnh 1.

Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp trồng 5.000 cây bần để chống sạt lở .Ảnh: VĨNH KỲ

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong năm 2023, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 120.000 cây bần và sau năm 2025, tỉnh sẽ đánh giá hiệu quả của giải pháp "kè xanh" trong phòng chống sạt lở.

Việc trồng cây bần tại các tuyến kênh, bờ sông là giải pháp không mới trong phòng chống sạt lở ở Đồng Tháp. Tại một số tuyến kênh ở TP Sa Đéc đã được trồng cây bần vài năm trước, giờ thì các tuyến kênh đó đã được bảo vệ an toàn. Đó là minh chứng cụ thể, đủ sức thuyết phục người dân chủ động trồng cây bần để bảo vệ vùng đất quanh mình.

"Việc làm bờ kè bê-tông chống sạt lở tốn kinh phí rất lớn và phải chờ trung ương hỗ trợ. Trong khi đó, địa phương cần một giải pháp bền vững và chúng tôi đánh giá cây bần có nhiều đặc điểm có thể giữ được đất. Vì vậy, chúng tôi chọn trồng cây bần. Đây là giải pháp ít tốn kém nhưng lại có hiệu quả rất cao trong việc chống sạt lở" - ông Minh khẳng định.

Tuyến kênh Ông Hộ (thuộc xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc) có nhiều điểm bị sạt lở, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Do đó, khi chính quyền địa phương phát động trồng cây bần trước nhà để bảo vệ tuyến đường, người dân rất đồng tình. Ông Phạm Thành Hiếu, người dân xã Tân Quy Tây, cho biết: "Trước nhà tôi chưa trồng cây bần, nên sau 1 năm đã bị sạt lở mất hơn 1 m đất; còn phía bên kia kênh có trồng cây bần được 8 năm, người ta giữ được đất và còn bồi thêm 1 m".

Theo người dân xã Tân Quy Tây, việc trồng cây bần không khó, nếu biết trồng đúng thời điểm và chăm sóc cây lúc nhỏ. "Nên trồng cây bần vào mùa khô, sang mùa nước cây đã bén rễ, dù nước có ngập thì cây cũng không chết" - ông Nguyễn Văn Thuận nói.

Nhiều địa phương khác của Đồng Tháp cũng đang khẩn trương trồng cây bần. Tại huyện Cao Lãnh, dự án trồng 38.000 cây bần sẽ được triển khai trong tháng 7 nhằm bảo vệ bờ kênh. Huyện Lai Vung đã trồng 5.000 cây bần dọc các tuyến kênh, rạch có nguy cơ sạt lở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho rằng trồng cây bần thời điểm này khá muộn, vì sạt lở đang bủa quanh. "Giờ thì người dân nghe sạt lở ở đâu xa cũng thấy sợ. Nếu trồng cây bần thời điểm này thì đến bao giờ cây mới lớn? Lúc đó, sạt lở cũng dữ dội lắm rồi, cây bần liệu có còn tác dụng?" - ông Tâm nêu ý kiến.

Với ý kiến này, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng ở những bờ kè chưa bị sạt lở thì phải khẩn trương trồng và bảo vệ cây bần, chỉ cần sau khoảng 3 năm cây phát triển tốt thì sẽ có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ đất. "Còn những nơi đã bị sạt lở bờ kênh, bờ sông thì không thể trồng cây bần, lúc đó phải xử lý theo phương án kỹ thuật. Tùy theo điều kiện chúng tôi xử lý nhưng phải ưu tiên tính bền vững" - ông Minh nói.

Áp dụng rộng rãi

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết từ đầu năm đến nay, địa phương đã xảy ra 90 vị trí sạt lở ven sông với chiều dài hơn 2.590 m, tập trung nhiều tại các huyện như: Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển... Qua đó, làm hư hỏng 44 nhà dân, ước tính tổng thiệt hại gần 5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho hay địa phương có tổng chiều dài bờ sông gần 10.000 km. Trung bình, mỗi năm tỉnh mất khoảng 500 ha đất do sạt lở ven sông. "Đất khô, xốp trong mùa khô cộng với trước đó dòng chảy thủy triều đã tạo hàm ếch ăn sâu vào bờ nên tình trạng sạt lở bờ sông tại Cà Mau vào những tháng đầu mùa mưa đã diễn ra phức tạp, khó lường" - ông Hoai lý giải.

Kè xanh phòng sạt lở - Ảnh 2.
Kè xanh phòng sạt lở - Ảnh 3.

Bờ kè bằng cây xanh đã góp phần hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông ở Cà Mau .Ảnh: VÂN DU

Thời gian qua, Cà Mau và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống sạt lở bằng những biện pháp và cách làm cụ thể phù hợp với thực tế từng địa phương. Nguồn vốn đầu tư hệ thống kè kiên cố để ứng phó với sạt lở bờ sông là rất lớn trong khi nguồn lực của địa phương có hạn. Từ đó, rất cần sự hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn từ các bộ, ngành trung ương để các địa phương xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó với sạt lở.

Nhận thấy những khó khăn của các ngành chức năng, nhiều hộ dân ở Cà Mau đã chủ động làm bờ kè tạm rồi trồng các loại cây có khả năng giữ đất như: đước, mắm, dừa nước... để bảo vệ đất, chống sạt lở.

Lão nông Nguyễn Văn Quận (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho hay phòng chống sạt lở bằng kè cây xanh không tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại bước đầu rất khả quan nên được đông đảo người dân áp dụng. "Với hơn 60 m đất mặt tiền ven sông, tôi bỏ ra gần 4 triệu đồng mua gốc tre gai đóng xuống cặp mé rồi dùng dây rút nhựa kẹp lưới mành vào thân tre cho đến lớp đất bùn để làm kè. Sau đó, cho đất vào rồi trồng dừa nước bên trong. Hơn 4 năm nhưng bờ kè làm bằng tre vẫn còn khá tốt, những bụi dừa nước trồng bên trong nay đã lớn nên rễ bám sát vào nhau, không phải lo chuyện sạt lở" - ông Quận nói.

Để cho cây có thời gian bén rễ và hạn chế bị cuốn trôi do sóng của các phương tiện di chuyển đường thủy, khi trồng, người dân dùng dây buộc trái đước, dừa nước vào một nhánh cây rồi cắm xuống đất.

Ông Nguyễn Long Hoai đánh giá việc trồng cây xanh làm kè phòng sạt lở tại những khu vực có độ chênh lệch triều thấp đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân áp dụng rộng rãi.

Đối với những vùng có độ chênh lệch thủy triều cao thì Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đang phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu phương án hạn chế dòng chảy, giảm lưu tốc... nhằm góp phần hạn chế tình trạng tạo hàm ếch móc sâu vào hai bên bờ sông nhưng vẫn bảo đảm việc lưu thông, đi lại của người dân. 

Hạn chế cất nhà ven sông

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho người dân do sạt lở bờ sông, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thường xuyên kiểm tra và lắp biển cảnh báo tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao, khuyến khích người dân làm kè tạm trồng cây xanh giữ đất...

Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân có nhà ven sông phải thường xuyên theo dõi nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để di dời tài sản đến nơi an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, tính mạng; vận động người dân hạn chế tối đa việc cất mới hoặc gia tải nặng nhà ven sông...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Kè xanh phòng sạt lở - Ảnh 5.
Kè xanh phòng sạt lở - Ảnh 6.
Kè xanh phòng sạt lở - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo