xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khảo cổ Việt Nam đang khó trăm bề

Yến Anh thực hiện

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng muốn khắc phục được tình trạng của khảo cổ học Việt Nam hiện nay có lẽ phải bắt đầu từ việc nghiên cứu, xây dựng chính sách hợp lý


Phóng viên: Hoạt động khảo cổ học diễn ra ở nhiều địa phương với các phát hiện mới đa dạng có giá trị cao. Theo ông, đó được xem là những thành tựu lớn của khảo cổ Việt Nam?

-PGS-TS Tống Trung Tín: Tính trong khoảng mấy năm trở lại đây, ngành khảo cổ Việt Nam theo yêu cầu của Nhà nước đã tập trung nghiên cứu 5 khu vực lớn. Một là tập trung nghiên cứu phát hiện di chỉ đồ đá cũ ở An Khê, Gia Lai. Việc phát hiện các di chỉ khảo cổ tại An Khê cho thấy thời điểm sớm nhất của lịch sử Việt Nam khoảng 800.000 năm cách ngày nay. Phát hiện này cũng góp thêm một địa điểm Đá cũ quan trọng, đưa Việt Nam vào bản đồ sơ kỳ đá cũ trong bản đồ phân bố sự phát triển loài người trên toàn thế giới sớm hơn lên rất nhiều. Đây là phát hiện lớn, mang tính quốc tế, góp phần vào nghiên cứu về thời đại đồ đá cũ của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Khảo cổ Việt Nam đang khó trăm bề - Ảnh 1.

Hai là, Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long tiếp tục được nghiên cứu sâu về toàn bộ di tích, từ địa tầng, kiến trúc, các loại hình di vật…giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về giá trị nổi bật toàn cầu của kinh đô Thăng Long cũng như hiểu rõ thêm cấu trúc tổng thể của Kinh đô này.

Ba là, nghiên cứu hệ thống di tích của văn hóa Óc Eo tại khu vực tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang. Các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống di tích di vật mới rất phong phú, đa dạng góp phần làm rõ giá trị của Óc Eo vốn đã được phát hiện hàng trăm năm trước, góp nguồn tư liệu có giá trị xác thực cao xây dựng hồ sơ Di sản thế giới.

Bốn là, nghiên cứu quy mô lớn về di sản Thế giới thành nhà Hồ. Lần đầu tiên tìm ra một hệ thống di tích kiến trúc dày đặc ở kinh đô Tây Đô của vương triều Hồ. làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô, như dấu tích con đường Hoàng Gia, cụm kiến trúc nền Vua, cụm kiến trúc con Rồng, dấu tích được dân gian truyền gọi là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu. Cũng như kinh đô Thăng Long, những phát hiện này làm hiểu sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành nhà Hồ, góp tư liệu tốt để phát huy giá trị khu Di sản.

Thứ năm, tập trung nghiên cứu Quần thể di tích Yên Tử, Đông Triều, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn – Kiếp Bạc - Thanh Mai. Các phát hiện mới cho thấy ở đây tồn tại dày đặc những di tích kiến trúc rất đa dạng thuộc về Phật giáo của phái Trúc Lâm thời Trần, Lê, Nguyễn… Nơi đây cũng lưu giữ những dấu tích về quê hương, đền thờ miếu mạo lăng tẩm của vương triều Trần nhiều nhất. Quần thể này đang xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới đệ trình UNESCO năm 2023.

Khảo cổ Việt Nam đang khó trăm bề - Ảnh 2.

Khai quật di tích khảo cổ Vòng thành đá trắng tại Bà Rịa- Vũng Tàu

*Với sự sự phong phú của các tầng văn hóa, khảo cổ Việt Nam rất được quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm như có những cuộc khai quật bị bỏ dở, những nghiên cứu chưa được tiến hành "dứt điểm" do thiếu nhân lực và kinh phí đầu tư. Sự hạn chế của các phòng thí nghiệm, thiếu trang thiết bị nghiên cứu cũng khiến cho công tác nghiên cứu, đánh giá di chỉ gặp nhiều khó khăn. Theo ông, đó có phải là khó khăn lớn nhất đối với ngành khảo cổ hiện nay?

-Tất cả những gì thuộc về cơ sở vật chất phục vụ cho công việc chuyên môn đều thiếu trầm trọng. Kinh phí cũng thiếu trầm trọng, chỉ một vài di tích tầm cỡ di sản thế giới có kinh phí khai quật tạm ổn, còn kinh phí để bảo quản, bảo tồn và phát triển thì nhiều vấn đề phải bàn. Nhưng nhân lực của ngành hiện đang thiếu mới là vấn đề trầm trọng hơn.

*Thực trạng nguồn nhân lực ngành hiện nay đang thiếu ở mức nào, thưa ông?

-Cách đây khoảng 5 năm, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có cuộc thống kê sơ bộ, kết quả cho thấy cả nước có khoảng trên 90 nhà khảo cổ học trong biên chế, đủ sức khỏe để tác nghiệp được. Đến năm nay, số lượng đã giảm đi không ít (ví dụ Viện Khảo cổ học từ 38 đã xuống 30 cán bộ khảo cổ học). Lý do là nhiều năm qua không có biên chế để tuyển dụng cán bộ khảo cổ hoặc nếu có tuyển thì cũng cực kỳ ít ỏi, các cơ quan đào tạo cũng cho biết vì đầu ra như vậy nên đầu vào rất hạn chế. Nhiều sinh viên học ngành này rất say mê, rất thích, nhưng khi tốt nghiệp lại không có việc, họ đi làm việc khác cả.

Khi thực hiện dự án Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi đã từng đào tạo thực tiễn cho nhiều sinh viên tốt nghiệp, họ làm việc rất giỏi, rất thành thạo nhưng chờ mãi không có việc nên họ ra đi. Có tới hàng mấy chục cán bộ khảo cổ giỏi ở Hoàng Thành Thăng Long phải tìm việc khác. Họ ra đi mà tôi buồn thương vô hạn vì không có cách gì để có thể giữ họ lại được. Buồn lắm!

Trong khi đó, nhân lực của ngành để theo dõi khảo cổ học ở các tỉnh càng đặc biệt thiếu. Trước đây, tỉnh nào cũng có 1-2 cán bộ học ngành khảo cổ học ra theo dõi công tác khảo cổ của tỉnh, nhưng bây giờ hầu như không có. Nếu có cũng chỉ vài địa phương, đủ đếm trên đầu ngón tay.

Cả nước hiện chỉ còn khoảng 70-80 cán bộ làm công tác khảo cổ, con số này như là "hạt cát" giữa "sa mạc" nghiên cứu khảo cổ học. Viện Khảo cổ học có khoảng 30 người, Bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội có 07 người, Bảo tàng lịch sử Quốc gia có khoảng chục người, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ có 06 người. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM có một số nữa. Nhẩm tính ra là thấy lực lượng khảo cổ học ít như thế nào rồi.

Ở ta, nhân lực ít, tiền ít, trang thiết bị kém như vậy nên nhiều khi việc thực hiện những nhiệm vụ được giao bị hạn chế hiệu quả rất nhiều.

Khảo cổ Việt Nam đang khó trăm bề - Ảnh 3.

Khai quật di tích Nền chùa tại Kiên Giang

*Nhưng bài toán dù khó mấy cũng phải có lời giải…?

-Muốn khắc phục được có lẽ phải bắt đầu từ việc nghiên cứu, xây dựng chính sách hợp lý. Trong trường hợp này, tôi nghĩ cần có sự so sánh giữa quốc tế với Việt Nam để tính đến câu chuyện phát triển dù là tương đối trên các phương diện công việc, con người, kinh phí, trang thiết bị…

Vấn đề lớn nhất là con người. Hiện nay đang có chủ trương tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế là rất đúng, nhưng có những ngành quá ít người lại quá nhiều việc như khảo cổ học. Nếu tiếp tục tinh giản, cào bằng như một số ngành nghề khác, thì sẽ làm cho ngành này tiếp tục suy yếu nữa.

*Kinh phí đầu tư cho công tác khảo cổ hiện được phân bổ như thế nào, thưa ông?

-Kinh phí ngành khảo cổ được Nhà nước đầu tư theo ngân sách khoa học công nghệ. Số này rất ít, ví dụ viện Khảo cổ học đầu ngành, cả năm gồm cả đề tài cấp Viện và cấp Bộ chỉ có từ 2 đến 7 tỉ đồng (phổ cập là 2 tỉ đồng, 7 tỉ đồng là khi may mắn có thêm nhiệm vụ trọng điểm). Vậy, các cơ quan khác hẳn còn ít nữa. Nguồn thứ hai, đối với các di sản Thế giới hoặc các chương trình nghiên cứu của địa phương, do khuyến nghị của UNESCO và Luật Di sản văn hoá thì phải đầu tư nghiên cứu phát huy. Nguồn kinh phí này sẽ tùy từng địa phương chi cho việc nghiên cứu trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và có thể sẽ không đều. Riêng ở công trình khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long, nguồn kinh phí thường xuyên hằng năm hiện tại tương đối đủ.

Tôi đã nói điều này nhiều lần ở các cuộc họp liên quan và công luận rằng nghề Khảo cổ học Việt Nam, công việc của chúng tôi thì rất vinh quang, hấp dẫn, anh em vào nghề rất say mê, nhưng phát triển thì còn nhiều vấn đề. Tôi đã kiến nghị tạo cơ chế tốt để ngành có vừa đủ nhân lực, vừa có đủ nguồn kinh phí vừa phải (không dám nói nguồn kinh phí lớn) đủ để các nhà khảo cổ học có điều kiện tối thiểu làm việc. Có thể nghiên cứu tạo điều kiện để Hội Khảo cổ học có cơ hội thu hút nhân lực được đào tạo mà không cần tuyển dụng biên chế để họ có công ăn việc làm.

Cần phải làm sao để cấp trên có liên quan lắng nghe trực tiếp được ý kiến phản ánh của anh em chuyên môn và các nhà quản lý chuyên môn khảo cổ học.

Khảo cổ Việt Nam đang khó trăm bề - Ảnh 4.

Gạch hoa tai tại di tích đền An Dương Vương

Nếu so sánh Việt Nam với một số nước trong khu vực thì độ chênh nhân lực thật khủng khiếp. Nhật Bản hiện có 8.000 nhà khảo cổ học, Hàn Quốc có 7000 nhà khảo cổ học. Trung Quốc lớn nhất, có trên 10.000 nhà khảo cổ học, mỗi tỉnh có một viện khảo cổ học, các cơ quan bảo tàng cũng có đơn vị khảo cổ của họ. Đối với quốc tế, nguồn kinh phí cho khảo cổ do nhà nước cấp, nhưng riêng hẳn ra. Ví dụ, Tổng cục Văn hóa Hàn Quốc là nơi quản và cấp kinh phí cho công tác khảo cổ lên tỉ USD/năm (đó là con số khổng lồ), nhờ đó họ mới khai quật được tàu đắm một cách quy mô và hoành tráng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo