xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi nào Bộ Y tế hạ cấp độ dịch COVID-19?

Ngọc Dung

Số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng giảm sâu, nhiều tháng qua nước ta không ghi nhận bệnh nhân tử vong do COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, nhiều tuần qua số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, trong 7 ngày qua cả nước chỉ ghi nhận 175 ca mắc COVID-19, bệnh nhân COVID-19 chỉ còn 1-2 ca được điều trị tại các cơ sở y tế.

Thống nhất chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B

Do bệnh nhân nặng giảm mạnh nên từ nhiều tuần nay, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2023, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng dù bệnh truyền nhiễm nói chung và COVID-19 nói riêng có những diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhưng thời gian qua dịch đã được kiểm soát. Các ca tử vong ghi nhận đầu năm 2023 đều là những trường hợp có bệnh nền nặng, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vắc-xin COVID-19. Qua giám sát Bộ Y tế cho biết tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn; tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B. Số liều vắc-xin COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.

Khi nào Bộ Y tế hạ cấp độ dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Các ca mắc COVID-19 giảm mạnh trong thời gian qua. Trong ảnh: Khám bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế. Ảnh: NGUYỄN LINH

Trước đó, ngày 3-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo khẳng định Việt Nam đủ điều kiện chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Việc công bố hết dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật và thẩm quyền quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thuộc về Bộ Y tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã xây dựng các hướng dẫn chuyên môn về việc chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, lấy ý kiến địa phương và các chuyên gia quản lý bền vững dịch bệnh. Theo thủ tục hành chính, Bộ Y tế đã hoàn tất các hồ sơ và chuyển sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Sau 20 ngày xem xét, Bộ Tư pháp đã chuyển lại cho Bộ Y tế và yêu cầu bổ sung, sửa đổi một số điểm trước khi trình Chính phủ. Tới đây, khi Thủ tướng ký công bố hết hiệu lực của Quyết định 447 về việc công bố dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng sẽ ký ban hành hướng dẫn về chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Vừa qua Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia của nhóm kỹ thuật xây dựng tài liệu truyền thông phòng chống COVID-19 và tiêm chủng vắc-xin trong tình hình mới.

Nới lỏng biện pháp phòng chống COVID-19

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 hiện nay, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng việc chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian qua, mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch COVID-19 sang nhóm B nhưng các hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa du lịch, không cấm đoán đi lại, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, tạo điều kiện kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội... Hiện chỉ còn một số hoạt động coi COVID-19 là nhóm A như: chữa bệnh miễn phí cho người mắc COVID-19, tiêm vắc-xin miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng chống dịch.

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng dù có xếp COVID-19 ở nhóm B thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch. Gần đây nhất là trong tháng 6, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh thay thế "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" và "Hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" đã được ban hành trước đó. Tại hướng dẫn này, nhiều quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện đã được nới lỏng. Trong đó, các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở khám chữa bệnh được chú trọng vào phát hiện, cách ly sớm trường hợp nghi mắc và tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh. Về việc tiêm vắc-xin COVID-19, Bộ Y tế cũng đã có quyết định sẽ lồng ghép vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên khi chuyển COVID-19 sang nhóm B.

Người bệnh trả chi phí điều trị

Các chuyên gia y tế cho rằng nếu theo luật, khi COVID-19 chuyển sang là bệnh truyền nhiễm nhóm B thì người mắc COVID-19 sẽ không được miễn phí điều trị. Do vậy, các cơ quan chức năng đang có tính toán phù hợp để giảm chi phí cho người bệnh. Với việc bình thường hóa các hoạt động thì việc chưa chuyển nhóm COVID-19 từ A sang B trong thời gian qua cũng không ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế. Hiện việc thay đổi nhóm bệnh và công bố hết dịch chỉ là vấn đề thủ tục.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo