xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó chữa "bệnh" thiếu ngủ ở học sinh

ĐẶNG TRINH

Cuối tuần qua, tại vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học, đề tài nghiên cứu khoa học "Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT tại TP HCM" do 2 học sinh thực hiện đã thu hút sự chú ý của dư luận

Đề tài với cái tên đơn giản nhưng đã đưa ra nhiều con số khiến không ít các chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh giật mình. Những vấn đề mà các học sinh (HS) nhắc tới đã chạm đến những nguyên nhân nhức nhối mà lâu nay nhiều giải pháp do các ban ngành đưa ra đều thiếu hiệu quả.

Hơn 80% học sinh ngủ dưới 7 giờ/ngày

Qua quá trình khảo sát bằng phương thức trực tiếp và cả online với 7.363 HS ở các trường THPT trên địa bàn TP HCM, 2 HS Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy, HS Trường THPT Gia Định, đã công bố kết quả khá bất ngờ: Cứ 10 HS thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ. Có 81,8% HS ngủ dưới 7 giờ/ngày, 13,7% HS ngủ dưới 5 giờ, 44,1% HS không ngủ trưa. Thời gian HS đi ngủ từ 23 giờ - 0 giờ chiếm tỉ lệ cao nhất với 39,8%; 20,7% HS đi ngủ sau 0 giờ; số HS đi ngủ trước 22 giờ chỉ chiếm 8,6%...

Nghiên cứu của 2 HS này nêu rõ 2 nguyên nhân chính làm thời gian ngủ của HS bị thiếu và đảo lộn nghiêm trọng là do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu. Cụ thể, thiếu ngủ do chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 90%; có bài kiểm tra vào ngày hôm sau là hơn 89%; làm bài tập và học bài là 86,8% và 62,1% là thời khóa biểu chưa hợp lý.

"Những con số trên cho thấy thực trạng thiếu ngủ của HS THPT ở TP đang ở mức báo động. Số giờ ngủ của HS đang đi ngược với khuyến cáo được đưa ra từ 8-10 giờ mỗi ngày với lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên" - HS Thùy Trang cho hay.

Về lý do chọn đề tài này, Thùy Trang và Khánh Vy chia sẻ các em thường xuyên chứng kiến bạn bè ngủ gà ngủ gật trong lớp. Giáo viên giảng cứ giảng còn HS chỉ ngồi thụ động, không tập trung nổi vào bài học. Chính bản thân hai em cũng hay gặp tình trạng này và phải dùng đến nhiều cách để khỏi ngủ gật như xin ra ngoài đi dạo hay véo vào tay chân.

Cùng với việc nêu ra các con số cảnh báo, 2 tác giả đề tài cũng đề xuất 3 giải pháp với cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình trạng thiếu ngủ của HS. Đó là lùi giờ học; thay đổi thời khóa biểu phù hợp hơn; giảm bài tập về nhà. Theo đánh giá của những người tham dự, đề tài như một lời kêu cứu rằng hãy quan tâm đến giấc ngủ của HS TP.

Khó chữa bệnh thiếu ngủ ở học sinh - Ảnh 1.

Học sinh trung học ở TP HCM đang chịu gánh nặng rất lớn từ thi cử

Khó chữa bệnh thiếu ngủ ở học sinh - Ảnh 2.

Một học sinh lớp 12 trên đường đi học thêm vào buổi tối Ảnh: TẤN THẠNH

Kêu cứu ngành giáo dục

Nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng vấn đề thiếu ngủ nghe qua tưởng như đơn giản nhưng thực sự lại là lời cảnh báo với nhiều cấp, ngành. Trong đó, chương trình quá tải, bài tập về nhà, bạo lực học đường… là những nguyên nhân trực tiếp.

Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, HS ở cấp trung học đang tuổi ăn tuổi lớn. Thiếu ngủ sẽ khiến sức khỏe các em giảm sút và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển trí tuệ, nhân cách.

"Có một triết lý trong tâm lý rằng nếu những gì hứng thú thì mới thường trú trong tâm trí mỗi người, còn không thì chỉ tạm trú một thời gian ngắn rồi ra đi. Chính vì thế, nếu cố nhồi nhét kiến thức cho các em mà các em không thích thì cũng vô ích" - TS Nam nói.

Chị Trang, một phụ huynh tại quận 2, cho hay không chỉ HS trung học mà HS tiểu học cũng bị sức ép rất lớn từ bài vở. Dù ngành giáo dục - đào tạo quy định không được giao bài tập về nhà cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày nhưng thực tế, nhiều giáo viên vẫn cứ giao, rồi tìm đủ cách gợi ý đi học thêm. Tâm lý của phụ huynh thì ngại phản ứng vì sợ con không theo kịp bạn bè. "Cứ thế, gia đình này đua gia đình kia tạo nên guồng quay chỉ toàn học và học khiến con không thoát ra được" - chị Trang nói.

Lùi giờ học, học lệch giờ

Cô Bùi Thị Kiều - giáo viên Phòng Tư vấn tâm lý, giáo dục hướng nghiệp Trường THPT Marie Curie - kể rằng khi trường làm khảo sát về những nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý của HS, những HS gặp vấn đề về tâm lý đều trả lời do thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.

Theo cô Kiều, thực trạng này đã xảy ra từ lâu trong HS nhưng nhìn nhận và giải quyết thế nào cần nhiều công sức của các bên, không phải của riêng nhà trường hay gia đình. "Ngoài chương trình nặng nề, lo cho các kỳ thi, nhiều HS còn đi học thêm 3, 4 môn. Học đến 21-22 giờ, rồi còn làm bài tập về nhà, sáng mai phải có mặt ở trường lúc 6 giờ 30 phút thì thời gian đâu để ngủ. Nhất là những em ở xa trường, còn phải dậy thật sớm cho kịp giờ học. Những trường nào học 2 buổi nhưng có bán trú ở trường thì còn có chỗ ăn, ngủ trưa. Những em không có bán trú thì thậm chí còn không có chỗ nghỉ trưa" - cô Kiều bày tỏ.

Về đề xuất lùi giờ học, học lệch giờ của nhóm tác giả, ông Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định đề án lệch giờ, lệch ca sở đã thực hiện từ năm 2007, hiện tại một số trường cũng thực hiện học lệch giờ ở từng khối lớp. Tuy nhiên, thực hiện đại trà hay không thì không thể mình ngành giáo dục - đào tạo quyết được vì còn ảnh hưởng đến phụ huynh. TP hiện nay có khoảng 1,7 triệu HS thì 2/3 phụ huynh của 1,7 triệu này cũng bị ảnh hưởng theo.

"Ở một góc độ khác, chúng ta hay có thói quen phó mặc cho nhà trường nhưng thực tế, một mình ngành giáo dục lo không xuể. Nhiều gia đình tự tạo áp lực cho con, phải đi học thêm, phải bằng bạn này, bạn kia. Ngoài giờ học ở trường, tối đến còn đi học thêm thì quá sức với các em. Vì trong thực tế, từ 16 giờ là các em đã tan trường rồi" - ông Minh nói. 

TS VÕ VĂN NAM:

Đừng để HS xem học hành là món nợ

Nếu không ngủ đủ giấc, HS không thể nào bảo toàn được năng lượng, nếu có ráng học cũng không thể tập trung. Như vậy là lợi bất cập hại nếu các nhà quản lý giáo dục cứ khư khư giữ chương trình quá tải như hiện nay.

Khẩu hiệu mỗi ngày đến trường là một ngày vui không còn nữa mà thay vào đó là khổ vì học, xem học, thi là một món nợ. Mà nếu… nặng nợ quá thì hậu quả sẽ khó kiểm soát.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP HCM:

Các trường còn ngại thay đổi

Hiện tượng HS thiếu ngủ đã được cảnh báo từ những năm bắt đầu rầm rộ game online, nhiều em mê game hơn mê học, cộng thêm sự quản lý và chiều chuộng của phụ huynh, nhất là những HS ở thành phố có điều kiện khá giả. Hơn nữa, đặc thù ở TP HCM lâu nay với áp lực tuyển sinh, khối lớp 5 - 9 - 12 chắc chắn phải đối diện với kỳ thi nên không thể tự do như trước; HS phải học nhiều hơn cả về thời gian và lượng kiến thức cần đầu tư.

Còn về giảm tải chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn giảm tải. Sở đã hướng dẫn xây dựng hệ thống chuyên đề, kiến thức..., hướng dẫn về thay đổi kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, có một thực tế là các trường còn ngại ngần thay đổi, cả ở lãnh đạo và giáo viên, khiến HS còn chịu nhiều áp lực.

Anh Phạm Minh Duy, phụ huynh Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM):

HS phải thi nhiều quá!

Không thấy ai phải thi nhiều như HS. Từ kiểm tra đầu năm, giữa kỳ, cuối kỳ đến kiểm tra thường xuyên trên lớp. HS lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10, rồi đến tuyển sinh ĐH. Rồi vì áp lực phải vào những trường chuyên, lớp chọn mà HS phải học ngày, học đêm để được điểm cao mới có thể vào trường tốt. HS tiểu học thì học phụ đạo, luyện chữ đẹp…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo