xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kho tàng dưới biển Cù Lao Chàm

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Hàng ngàn cổ vật khai quật được từ con tàu đắm dưới đáy biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về mặt chính trị, văn hóa và kinh tế

Từ những năm 1990 đến nay, việc khai quật các tàu cổ dưới đáy biển nước ta đã được một số công ty trong và ngoài nước thực hiện. Tuy nhiên, tàu cổ khai quật ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) rất đặc biệt bởi đây là con tàu duy nhất chở hàng trăm ngàn hiện vật toàn là gốm Việt - khác với những chiếc phát hiện trước và sau đó hầu hết chở gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan.

Nổi chìm cổ vật

Nhiều người kể rằng trước khi các cuộc khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm diễn ra, ngư dân đánh bắt trong khu vực này thường phát hiện cổ vật nhưng thấy sợ nên đã vứt đi. Về sau, có người thấy hay hay mới vớt lên mang về chưng chơi. Không ngờ, những tượng gốm này có người tìm mua với giá cao. Từ đó, người dân mới biết giá trị của những cổ vật và tìm cách lặn vớt.

Năm 1997-1999, cuộc khảo sát và trục vớt cổ vật từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm mới diễn ra với sự tham gia của Công ty Saga Horizon (Malaysia) và Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Visal (Việt Nam). Trong vòng 2 năm, số lượng cổ vật tìm thấy trên con tàu này lên đến khoảng 250.000, hầu hết có nguồn gốc từ Hải Dương, Thăng Long và có niên đại vào khoảng nửa cuối thế kỷ XI, chủ yếu là dòng gốm Chu Đậu.

Kho tàng dưới biển Cù Lao Chàm - Ảnh 1.

Cổ vật được Công ty Đoàn Ánh Dương hiến tặng, trưng bày tại nơi trục vớt - Cù Lao Chàm

Một số hiện vật khác được tìm thấy trong khoang tàu cổ là gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan. Số lượng ít ỏi các dòng gốm khác biệt này được các nhà nghiên cứu nhận định là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Còn con tàu đắm có chiều dài 29,5 m, rộng 7,8 m này chắc chắn đã nhập hàng từ Đại Việt để mang đến xứ sở khác bán. Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể do tàu chở quá tải, gặp thiên tai nên bị chìm lại dưới đáy sâu 72 m.

Sau 2 năm khai quật, một lượng lớn cổ vật đã được đưa ra nước ngoài bán đấu giá. Theo một số tài liệu, trong cuộc đấu giá của Công ty Butterfield ở Mỹ vào tháng 10-2000, nhiều cổ vật trục vớt ở Cù Lao Chàm được bán với giá hàng chục ngàn USD, tổng số tiền thu được lên đến 3 triệu USD. Dù thế, số lượng cổ vật quá nhiều đã làm giảm giá trị của chúng và các cổ vật "đại trà" không bán được. Chưa kể, 3 triệu USD thu được chỉ bằng một nửa so với số tiền mà các đơn vị bỏ ra khai quật trong 2 năm, lại phải chia phần theo quy định. Vì vậy, dù số lượng cổ vật còn lại khá nhiều dưới đáy biển nhưng các đơn vị không mặn mà tham gia trục vớt nữa.

Đầu những năm 2000, nhiều ngư dân đã lén lút lặn tìm cổ vật dẫn đến chết người, mất an ninh trật tự nên chính quyền tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương (tỉnh Quảng Ngãi) tham gia trục vớt đợt 2. Từ năm 2003-2007, Công ty Đoàn Ánh Dương tiến hành trục vớt được 15.934 hiện vật còn sót lại. Do nhiều nguyên nhân, mãi đến năm 2013, 13.096 hiện vật trong đó được phân chia theo tỉ lệ nhà nước 33%, doanh nghiệp 67%, số còn lại được Công ty Đoàn Ánh Dương hiến tặng tỉnh Quảng Nam.

Từ đó đến nay, ngoài 1.200 cổ vật mà Đoàn Ánh Dương hiến tặng được trưng bày ở Cù Lao Chàm, số cổ vật trục vớt được vẫn đang đặt trong kho. Bởi lẽ, tỉnh Quảng Nam và công ty này chưa hoàn thiện bảo tàng để trưng bày.

Đập tan luận điệu sai trái

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, cho biết 2 đợt khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm đã phát hiện nhiều hiện vật độc bản rất giá trị. Những độc bản này được quy định là tài sản của nhà nước, không được đấu giá hay chia cho doanh nghiệp, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

"Những hiện vật khai quật được chứng minh rằng từ thế kỷ XIV-XV, người Việt đã thịnh hành nghề gốm sứ với kỹ nghệ phát triển vượt bậc. Họ giỏi trong giao thương quốc tế, giỏi về gốm sứ, giỏi cả về tàu thuyền..." - ông Tịnh đánh giá.

Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đoàn Ánh Dương, cho rằng việc giải mã bí ẩn của các con tàu cổ rất có ý nghĩa về mặt chính trị. Theo ông Sung, lâu nay, Trung Quốc cho rằng con đường tơ lụa trên biển là con đường của họ và những chiếc tàu đắm là tàu Trung Quốc tuần tra. Sau khi vẽ ra "đường lưỡi bò", phía Trung Quốc tiếp tục khẳng định con tàu đắm nơi nào thì nơi đó thuộc chủ quyền của họ để lấy cớ tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, việc khai quật các con tàu đắm đã đập tan những luận điệu sai trái đó. Điển hình là con tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm, khi khai quật phát hiện hầu hết gốm sứ trên tàu là sản phẩm Chu Đậu của người Việt. Người ta còn tìm thấy một chiếc sọ người được xác định mang quốc tịch Thái Lan.

"Điều đó cho thấy đây là con đường giao thương trên biển từ thế kỷ XV-XVI, nó đi từ Đông sang Tây, qua nhiều quốc gia như Hà Lan, Tây Ban Nha, Việt Nam, Trung Quốc. Con đường đó nằm ven thềm lục địa để tàu thuyền tránh trú bão cho thuận lợi. Chúng tôi đã khai quật một số con tàu có cả gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan vì họ đi giao thương, mua cái này bán cái kia chứ không phải là tàu tuần tra như luận điệu của Trung Quốc. Tại các bảo tàng trên thế giới, gốm Chu Đậu cũng được trưng bày rất nhiều" - ông Sung phân tích.

Ông Sung khẳng định việc khảo sát, thăm dò, khai quật các con tàu cổ được thực hiện một cách rất khoa học. Nhiều năm nay, Bộ VH-TT-DL và các địa phương đã tin tưởng, giao cho Công ty Đoàn Ánh Dương cùng với các nhà khoa học khai quật những con tàu đắm. Từ đó, các nhà khoa học có thể xác định chủ nhân, xuất xứ của các con tàu để không bị Trung Quốc lợi dụng. "Tỉnh Quảng Ngãi đang có ý định cho một doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc khai quật con tàu đắm vừa phát hiện ở vùng biển Bình Châu là rất nguy hiểm, cần phải cân nhắc kỹ" - ông Sung góp ý.

Tài sản quốc gia

Ông Đoàn Sung cho biết từ 2003 đến nay, ngoài tham gia khai quật các con tàu cổ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kiên Giang, Công ty Đoàn Ánh Dương còn đi đấu giá ở nước ngoài để mua cổ vật mang về nước. Số cổ vật được phân chia và mua lên đến hàng chục ngàn nhưng công ty không bán đi thứ nào. Hiện nay, công ty của ông đang xây dựng 4 bảo tàng trưng bày "Con đường gốm sứ trên biển" ở Cù Lao Chàm, Quảng Ngãi và Kiên Giang để phục vụ du lịch, vừa góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.

"Muốn làm bảo tàng để bán vé thì sản phẩm phải nhiều và đặc sắc, chính cái đó mới hút được khách nước ngoài, nếu bán hết thì ai đến xem làm gì? Chúng tôi luôn nghĩ rằng những cổ vật là tài sản quốc gia, nếu bán cho nước ngoài thì sẽ mất đi nguồn lợi quá lớn" - ông Sung bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-8

Kỳ tới: Chuyện từ 4 con tàu đắm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo