Tuy dịch Covid-19 tác động mạnh đến người Việt ở nước ngoài nhưng năm 2021, lượng kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng mạnh.
Nguồn lực tài chính quan trọng
Số liệu của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy năm 2021, lượng kiều hối thu hút được 12,5 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong đó, kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%...
Tuy vậy, giới kinh doanh ngoại tệ cho hay ngoài số liệu của NH Nhà nước, kiều hối chảy về nước ta còn thông qua nhiều kênh khác. Thế nên, NH Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD ước tính năm 2021, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về thu hút kiều hối, với con số 18,1 tỉ USD, nhiều hơn so với năm 2020 là 17,2 tỉ USD.
Nói về kiều hối, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước - ông Đào Minh Tú - nhận định dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào gặp rất nhiều khó khăn song vẫn luôn hướng về quê hương. Việc người Việt ở nước ngoài liên tục gửi tiền về nước là một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần rất nhiều vốn đầu tư.
Thực tế cho thấy với việc thu hút kiều hối lên tới hàng chục tỉ USD, nước ta đã có nguồn cung ngoại tệ dồi dào, làm tăng thêm dự trữ ngoại hối. Từ đó, tỉ giá VNĐ/USD gần như dao động dưới mức 23.000 đồng/USD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Nếu năm 2021 xuất khẩu gạo nước ta đạt 3,27 tỉ USD, ngành thủy sản thu về 8,9 tỉ USD thì con số hơn 12 tỉ USD kiều hối đã ngang bằng nguồn thu ngoại tệ của 2 ngành này. Đây là nguồn tiền cực kỳ quan trọng khi nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội liên tục do dịch bệnh, giúp người dân duy trì cuộc sống để vượt qua đại dịch, doanh nghiệp dự trữ tài chính chờ phục hồi hoạt động sau dịch bệnh.
Những ngày cuối năm, giao dịch kiều hối khá tấp nập tại các ngân hàng ở TP HCM. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Sacombank TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Nở rộ giao dịch trực tuyến
Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR) đánh giá năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhu cầu nhận kiều hối bằng tiền mặt không cao do nước ta liên tục giãn cách xã hội vì dịch bệnh, tần suất giao dịch không tiền mặt tăng cao. Do đó, cùng với sự phát triển của công nghệ, dịch vụ kiều hối chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam đã không còn quá khó khăn.
Bên cạnh kênh chuyển tiền kiều hối thông qua các NH thương mại, các công ty kiều hối đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của kiều bào trong việc chi trả, giúp tiền được chuyển một cách nhanh chóng nhất đến tay người thân ở Việt Nam.
Đối với thị trường nước ngoài, bên cạnh các đại lý nhận tiền mặt truyền thống ở các thị trường Mỹ, Canada..., sự nở rộ dịch vụ chuyển tiền của các công ty Fintech đã mang đến tiện lợi cho khách hàng thông qua các hình thức trực tuyến, giúp chuyển và nhận tiền 24/7, mang đến sự hài lòng đáng kể cho người gửi tiền, nhất là tại các quốc gia châu Á - nơi có rất nhiều người Việt xuất khẩu lao động. Lãnh đạo VCBR cho biết doanh số chi trả kiều hối của công ty đạt hơn 1 tỉ USD, tăng trưởng hơn 60% so với năm 2020 và vào top 2 các công ty kiều hối thu hút dòng tiền kiều bào gửi về.
"Hiện nay, VCBR cung cấp dịch vụ nhận kiều hối bao chuyển khoản, nhận tiền tại quầy giao và dịch vụ chi trả đến tận nhà trải dài khắp cả nước. VCBR đã chuẩn bị nguồn tiền mặt ngoại tệ dồi dào tại tất cả chi nhánh, phòng giao dịch của Vietcombank, bổ sung thêm đội ngũ chi trả tận nhà để đáp ứng nhu cầu chuyển tiền tăng cao của khách hàng, đồng thời triển khai chương trình "Mở tài khoản - Nhận kiều hối - Ưu đãi nhân đôi" nhằm khuyến khích kiều bào chuyển tiền về nước trong dịp Tết" - vị lãnh đạo VCBR nói.
Mở rộng đối tác chuyển tiền
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết vừa hợp tác với Công ty KVB Global Captial (Hồng Kông - Trung Quốc) nhằm mở rộng giao dịch kiều hối và hỗ trợ khách hàng nhận tiền từ người thân ở nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Hiện kiều hối được kiều bào chuyển về Việt Nam không chỉ hỗ trợ người thân mà còn dùng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch, dòng kiều hối chảy về nhiều hơn, giúp người thân cải thiện cuộc sống lẫn đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Phần lớn người nhận kiều hối đều bán ngay USD giúp NH có thêm nguồn cung USD, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp. Có thời điểm dư thừa USD, Eximbank phải bán lại cho NH Nhà nước - tổ chức thu mua ngoại tệ cuối cùng trên thị trường.
"Kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hậu Covid-19, môi trường kinh doanh ngày càng được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn, làm gia tăng niềm tin của kiều bào khi gửi tiền về Việt Nam" - bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, nhận định.
Đại diện NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết kiều hối tăng mạnh do nhiều yếu tố. Bởi năm 2021 các nước trên thế giới như Mỹ, EU… khôi phục đà tăng trưởng kinh tế hơn so với năm 2020 - năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ đó, kiều bào có việc làm và tích lũy được tài chính gửi về hỗ trợ người thân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong khi đó, việc các NH thương mại đầu tư mạnh vào công nghệ, kết nối với đối tác nước ngoài giúp chuyển tiền nhanh hơn, phí thấp hơn và không giới hạn mức tối thiểu cũng tạo điều kiện cho kiều bào gửi kiều hối về nước. Đặc biệt, theo đại diện Sacombank, yếu tố đại dịch ở Việt Nam với một số giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài cũng gia tăng dòng tiền hỗ trợ người thân gửi về nhiều hơn.
Với bối cảnh này, NH TMCP Á Châu (ACB) mở rộng dịch vụ chuyển tiền nhanh thông qua các đối tác như Western Union, MoneyGram, RIA (kênh chuyển tiền quốc tế Ria Money Transfer), D.Com (dịch vụ chuyển tiền nhanh DCOM Money Express - một công ty tài chính của Nhật Bản) và JRF (Japan Remit Finance Co.Ltd - một công ty chuyển tiền quốc tế có trụ sở tại Tokyo - Nhật Bản). Trong đó, dịch vụ MoneyGram được cung cấp bởi công ty chuyển tiền quốc tế MoneyGram - một trong những công ty chuyển tiền hàng đầu trên thế giới với các tiện ích như dễ dàng, nhanh chóng và đáng tin cậy.
"Chuyển tiền nhanh là một trong các mảng dịch vụ trọng yếu của NH. Đồng hành với Tập đoàn MoneyGram - đơn vị đang quản lý khoảng 350.000 đại lý trên toàn cầu - sẽ giúp ACB thu hút được một lượng lớn kiều hối gửi về nước" - ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, nói.
Có thể duy trì đà tăng trưởng 5%-7%
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, năm 2021, lượng kiều hối trên toàn cầu phục hồi và tăng khoảng 5%-7% so với năm trước và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Dự báo trong năm 2022, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi và riêng Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng 5%-7%.
Bình luận (0)