Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết ngày 1-9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án cảng hàng không (CHK), sân bay quốc tế Long Thành.
ACV là chủ đạo
Tại buổi làm việc đã thống nhất định hướng ACV vẫn là tổng công ty nhà nước có vai trò chủ đạo trong đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng CHK nói chung, trong đó có CHK Long Thành.
Ngoài chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng, toàn bộ chi phí xây dựng CHK Long Thành không thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn liên quan đến nợ công của Chính phủ mà phải tự huy động từ bên ngoài. Trên cơ sở đó, ACV phải chủ động chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng CHK Long Thành.
ACV đã chuẩn bị hơn 40.000 tỉ đồng cho cả 2 giai đoạn đầu tư (giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2022-2025) để có thể khởi công dự án ngay khi Quốc hội thông qua hồ sơ FS (báo cáo nghiên cứu khả thi). Đây cũng là nguồn lực quan trọng với tư cách là phần vốn đối ứng nhà nước để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư CHK Long Thành.
Về tiến độ của dự án, theo nguồn tin này, ACV đang lên phương án kêu gọi nhà đầu tư lập FS. Khi hoàn thiện FS sẽ báo cáo Bộ GTVT để bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Chỉ khi Quốc hội thông qua FS mới chốt được các hạng mục đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, tổ chức đấu thầu. Dự án sẽ được chia thành nhóm các công trình đầu tư từ vốn ACV, nhóm vay ODA, nhóm đầu tư PPP (hợp tác công tư). Trong nhóm đầu tư PPP, ACV đề xuất được chủ trì thành lập các công ty liên doanh, cổ phần để đầu tư xây dựng. Các nhà đầu tư PPP có thể là đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát tại khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn của dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai)Ảnh: XUÂN HOÀNG
Hồ sơ FS cũng bao gồm bộ tiêu chí để căn cứ vào đó lựa chọn doanh nghiệp tham gia dự án. "Theo Nghị định 102 của Chính phủ, kết cấu hạ tầng sân bay gồm rất nhiều hạng mục. Trong đó, ACV chỉ tập trung đảm nhận hạ tầng cốt lõi gồm khu bay, nhà ga hành khách, một phần nhà ga hàng hóa… Thậm chí một số sân bay như Cam Ranh, doanh nghiệp tư nhân cũng đã tham gia đầu tư nhà ga hành khách. Còn rất nhiều hạng mục khác đều là nguồn vốn xã hội hóa. Nên sẽ không có chuyện một doanh nghiệp đầu tư toàn bộ CHK Long Thành" - nguồn tin cho biết.
Tai tiếng nhà thầu Trung Quốc
Trong khi Quốc hội chưa phê duyệt FS làm cơ sở khởi công dự án Long Thành thì một số nhà đầu tư đã quan tâm tìm kiếm cơ hội tham gia dự án quan trọng này. Mới đây, Tập đoàn Geleximco đã tái đề nghị Chính phủ cho phép tham gia đầu tư xây dựng CHK Long Thành đang khiến dư luận dấy lên lo ngại vì theo đề xuất, Geleximco sẽ cùng đối tác Trung Quốc là Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Duong Quang (KAIDI) cùng thực hiện dự án.
Theo ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc ACV, Geleximco kết hợp với nhà đầu tư Trung Quốc nên phải xem họ đầu tư toàn bộ hay là tham gia một số hạng mục. Nếu Geleximco kiến nghị Chính phủ tham gia đầu tư một số hạng mục là hợp lý nhưng nếu kiến nghị đầu tư toàn bộ thì không phù hợp. Đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sân bay phải có đủ các điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực này. Hiện nay chưa thể đánh giá được vì Geleximco mới chỉ đưa ra ý tưởng, chưa rõ nguồn vốn đầu tư và các điều kiện cụ thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nêu quan điểm xây dựng sân bay Long Thành cần hết sức thận trọng đối với nhà thầu Trung Quốc. Về nguyên tắc, Luật Đấu thầu không phân biệt đối xử đối với bất cứ doanh nghiệp nào, càng không phân biệt doanh nghiệp đến từ quốc gia nào. Nhưng ngay từ vòng dự thầu, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về vốn, kinh nghiệm, tài lực kỹ thuật… mới được tiếp nhận hồ sơ, chưa nói đến việc có trúng thầu hay không.
Thực tiễn cho thấy nhiều nhà thầu của Trung Quốc tham gia vào các công trình của Việt Nam có năng lực yếu kém, khiến các công trình bị chậm tiến độ, đội vốn, thi công thiếu an toàn. Do đó cần phải dựng hàng rào kỹ thuật hướng đến các nhà thầu này để loại bỏ các nhà thầu không tốt. Đặc biệt trong khâu chấm thầu phải giao cơ quan độc lập, khách quan thực hiện, không nên giao chủ đầu tư.
Coi chừng "đi đêm" trong đấu thầu
"Nhiều nhà thầu Trung Quốc yếu kém nhưng vì sao vẫn trúng thầu những công trình ở Việt Nam. Nhiều khả năng là có sự bôi trơn, "đi đêm" trong quá trình đấu thầu. Cho nên cần phải thận trọng trong lựa chọn. Doanh nghiệp Trung Quốc nói trên chưa có kinh nghiệm xây dựng sân bay nhưng họ lại liên kết với doanh nghiệp trong nước để đặt vấn đề với Chính phủ. Như thế là đã có sự toan tính rồi" - ông Phạm Sỹ Liêm cảnh báo.
Bình luận (0)