xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo dịch sởi bùng phát ở miền Bắc

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Dịch sởi có tính chu kỳ, 4-5 năm sẽ có một vụ dịch. Theo quy luật này, dịch sởi có thể xảy ra vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019

Thông thường, dịch sởi bùng phát vào mùa đông - xuân nhưng năm nay lại gia tăng vào mùa hè và mùa thu tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Hiện số ca mắc sởi ở TP Hà Nội đã cao gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm 2017.

Đã có trẻ tử vong

Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác khoảng 100 trường hợp. Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, thông thường bệnh sởi phát triển mạnh vào mùa đông - xuân nhưng năm nay lại ghi nhận nhiều ở thời điểm hè - thu. Hiện BV đang điều trị cho nhiều ca mắc sởi nặng hơn mức trung bình các năm trước. Trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy.

Lo dịch sởi bùng phát ở miền Bắc - Ảnh 1.

Hai bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Tương tự, tại Khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới trung ương, hơn 7 tháng qua đã tiếp nhận gần 40 trẻ mắc bệnh sởi ở nhiều địa phương miền Bắc, miền Trung, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi và chưa được tiêm vắc-xin. PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới trung ương, lý giải các bà mẹ chưa cho con tiêm phòng là do trẻ ốm, nhiều trường hợp mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm.

Bộ Y tế cho biết trong tháng 7-2018, cả nước ghi nhận 360 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên gần 800 trường hợp. Đã có 1 trường hợp tử vong. Tại TP Hà Nội, bệnh sởi đã xảy ra tại 30/30 quận, huyện với gần 300 ca mắc, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (69%), trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, cho biết hầu hết trẻ chưa được tiêm ngừa vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ, trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng đã mắc bệnh.

Chưa có miễn dịch, chắc chắn mắc bệnh

Theo các bác sĩ, khi mắc bệnh, trẻ có sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ bị biến chứng. Có những bệnh nhi mới 2-3 tháng tuổi khi đến BV khám mới biết bị viêm phổi do biến chứng của bệnh sởi.

PGS Nguyễn Minh Điển cho biết trước đây, sởi là căn bệnh thường gặp từ trẻ trên 9 tháng tuổi nhưng những năm gần đây, nhiều trẻ mắc sởi trước khi đến tuổi tiêm phòng. Nguyên nhân là do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp. Ngoài ra, trẻ không được bú mẹ sau khi sinh không có miễn dịch phòng bệnh.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết bệnh sởi lây qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi - họng nên gần như 100% trường hợp chưa tiêm vắc-xin sởi và chưa mắc sởi khi tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị lây bệnh. "Virus sởi lây lan mạnh nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể lây cho khoảng 20 người khác. Hơn nữa, bệnh sởi có tính chu kỳ, cứ 4-5 năm thì có một vụ dịch. Vụ dịch gần nhất tại Hà Nội vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Do vậy, dịch sởi hoàn toàn có thể xảy ra vào cuối năm nay" - ông Cảm lo ngại.

Khẳng định số ca mắc sởi tuy "trái vụ" và tăng hơn năm 2017 song ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng chỉ là các ca bệnh rải rác, chưa phải là tập trung và hình thành ổ dịch. Hiện Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết lịch tiêm vắc- xin sởi cho trẻ em là 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, trước tỉ lệ trẻ mắc sởi do chưa đến tuổi tiêm chủng khá cao và nhiều phụ nữ độ tuổi sinh đẻ không có miễn dịch với sởi nên Bộ Y tế chỉ đã đạo các đơn vị nghiên cứu đẩy sớm lịch tiêm chủng cho trẻ, từ tháng thứ 6.

Tiêm vắc-xin trước khi mang thai

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, khuyên những cá nhân, phụ nữ ở tuổi sinh sản chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc-xin sởi nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng trước khi mang thai, giống mũi tiêm vắc-xin cúm, vắc-xin ngừa Rubella. "Ngay cả khi lùi thời gian tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi, chúng tôi cũng không khuyến cáo tiêm rộng rãi mà chỉ áp dụng ở các vùng có nguy cơ và phải có sự chỉ định của ngành y tế địa phương. Bởi nếu trẻ tiêm vắc-xin sởi trước 9 tháng tuổi nhưng lại bỏ mũi tiêm nhắc lại khi 9 tháng và 12 tháng tuổi thì vẫn có nguy cơ mắc sởi" - GS Đức Anh nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo