Những câu chuyện trên nghe qua như đùa, bởi "đồng tiền gắn liền khúc ruột", ai dễ gì sơ suất giao cho người khác để có thể bị mất. Thế nhưng, tình trạng này luôn xảy ra và nạn nhân của trò huy động vốn rồi chiếm dụng ngày một nhiều.
Khoảng 30 năm trước, vụ án nước hoa Thanh Hương gây rúng động xã hội. Hàng vạn người lao đao khi tiền đầu tư vào đây bị mất trắng. Ông chủ của doanh nghiệp này đã bị xử lý nhưng hậu quả của nó chẳng thể nào khắc phục được. Gần hơn, vụ án Epco - Minh Phụng vỡ nợ cũng làm hàng ngàn công nhân điêu đứng. Họ góp tiền mua máy may của công ty mong kiếm thêm được chút ít tiền, ngoài đồng lương hằng tháng để trang trải cuộc sống và đã phải ngậm ngùi khổ nhọc. Rồi hàng chục vụ vỡ nợ từ Gia Lai, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Thuận... liên tiếp được báo chí đăng tải.
Ai cũng nghi ngờ, ai cũng cảnh giác nhưng không ít người mờ mắt với lãi suất cao nên bẫy vẫn sập, khối người khốn khổ lâm vào nợ nần hoặc mất trắng tiền tích lũy. Vội kết luận họ vì lòng tham mà vướng vào nghịch cảnh thì chúng ta quá dễ dãi với bản thân và lảng tránh lòng trắc ẩn. Nếu cuộc sống đầy đủ, không còn ai quá phải lo nghĩ về tương lai phấp phỏng của gia đình, con cái thì có lẽ không nhiều người mạo hiểm với những khoản tiền tích cóp bao năm của mình.
Chấp nhận rủi ro cũng là một cách chẳng đặng đừng để đánh cược với tương lai trong khi còn khốn khó. Trước những cơ hội có thể kiếm thêm một khoản cho gia đình, liệu trong chúng ta có mấy người dám cười nhạt bỏ qua. Ai cũng có thể biết câu ngạn ngữ của phương Tây "miếng bơ miễn phí chỉ có trong bẫy chuột" nhưng mấy người chưa một lần thèm muốn miếng ngon ấy.
Ngay cả những ngân hàng của nhiều đại gia được ca tụng, bảo đảm nhưng cũng vỡ nợ, làm cho bao người ôm hận đấy thôi. Cả xã hội cổ xúy nhau làm giàu, hàng loạt chương trình, lớp học dạy làm giàu ra rả chiêu sinh. Bao lý thuyết kinh doanh vừa kinh điển, lẫn lừa đảo được bán đắt đỏ từng ngày. Thử hỏi, trong cơn ồ ạt kiếm tiền này làm sao những người dân bình thường không sơ suất giao tiền cho những kẻ chuyên bán nước bọt?
Mạo hiểm với đồng tiền là chuyện nhỏ, bao người còn phải mạo hiểm cả tính mạng kiếm miếng cơm qua ngày. Hàng vạn thợ hồ neo người trên cao mà chẳng có thiết bị bảo hiểm chỉ để có 200.000 đồng/ngày; hàng ngàn thợ đá trèo núi băng rừng có khi chết không thấy xác; bao ngư dân lênh đênh trên biển trong phập phồng liều lĩnh với thiên tai... mà không dễ gì có sự chọn lựa khác.
Tránh được kẻ lừa đảo là chuyện quá tốt dù không hề dễ. Quan trọng hơn chính là phải có những định chế pháp luật rõ ràng để có thể ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc để răn đe những kẻ cơ hội luôn rình rập tài sản của người khác. Doanh nhân nào cũng hào nhoáng, còn bóng tối sau lưng họ nào dễ biết mà đề phòng.
Bình luận (0)