Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 28-9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Kon Tum đã có mưa to đến rất to và có nơi có dông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27-9 đến 8 giờ ngày 28-9 có nơi trên 150 mm như: Hương Khê (Hà Tĩnh) 199 mm, Lộc Trì (Thừa Thiên - Huế) 398 mm, Bình Lâm (Quảng Nam) 629 mm, Tiên Phước (Quảng Nam) 403 mm, Đắk Choong (Kon Tum) 270 mm,….
Lượng mưa do cơ quan khí tượng đo được tại đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) tính từ 19 giờ ngày 27-9 đến 8 giờ ngày 28-9
Dự báo ngày 28-9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 80 mm.
Từ ngày 28 đến đêm 29-9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm.
Ngày và đêm 28-9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 70 mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối). Khu vực Hà Nội từ ngày 28 đến ngày 29-9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn cảnh báo mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ còn duy trì trong nhiều ngày tới. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo từ nay đến ngày 30-9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5 m, hạ lưu từ 2-3 m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 1 (BĐ1) đến BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An) và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đắk Tô (Kon Tum). (Các thông tin về khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Sáng sớm 28-9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ đây là cơn bão lớn, công tác chuẩn bị tiến hành công phu, kỹ lưỡng. Đáng mừng là đến nay, thiệt hại sau bão không lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ người dân. Cần khẩn trương rà soát các điểm bị thiệt hại, nhà bị tốc mái để hỗ trợ bà con. Các khu vực cây cối đổ, ảnh hưởng giao thông thì các địa phương khẩn trương khắc phục. Rà soát, kiểm tra, tổng hợp đầy đủ thiệt hại sau khi bão tan.
Phó Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, có trường hợp sau bão còn gây ra thiệt hại lớn hơn, ví dụ như thiệt hại do hoàn lưu bão năm 2021. Bảo đảm đi lại thông suốt, an toàn, tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là khi cho học sinh đến trường. Cần tiếp tục theo dõi diễn biến bão để triển khai ứng phó, hiện vẫn chưa được ngừng, nghỉ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan tổ chức đoàn đi kiểm tra ở Quảng Ngãi, Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tra tại Quảng Nam. Phó Thủ tướng sẽ đi kiểm tra tại Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Bình luận (0)