Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Học viện Cán bộ TP HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của các trung tâm chính trị và Học viện Cán bộ thành phố".
Trách nhiệm của cá nhân trước Đảng
Theo bà Võ Thị Hoàng Oanh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Bình Chánh - việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị đã góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bà Oanh cho rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là những nội dung trong giảng dạy lý luận chính trị. Vì vậy, đòi hỏi giảng viên bên cạnh việc nắm vững kiến thức còn cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình để làm sao xác định được phương pháp, cách thức truyền đạt hiệu quả. Bác Hồ từng căn dặn: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam".
Tiếp đến, người giảng dạy phải coi đây là trách nhiệm thiêng liêng của cá nhân trước Đảng; phải đem tất cả nhiệt huyết cách mạng mà trao gửi cho người học; đầu tư nghiên cứu, học hỏi, làm mới mỗi bài giảng. Đặc biệt, phải cập nhật đúng, chính xác chủ trương của Đảng và tình hình thực tiễn của địa phương.
Giảng viên phải giảng đúng nghị quyết, chủ trương nhưng cũng phải diễn đạt sao cho gần gũi, dễ hiểu để thu hút người học. Giảng viên phải đặt mình vào tâm thế người học để có sự thấu cảm, nắm bắt nhu cầu của họ nhằm dẫn dắt và đáp ứng. Trong khi đó, người học phải xác định đây là cơ hội để mở rộng hiểu biết, nắm chắc thêm về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng; phải thoát khỏi tâm thế đi học chính trị là ép buộc.
Theo TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, phải kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trên cơ sở nguồn nhân lực tại chỗ và tăng cường đội ngũ từ các nguồn khác, nhất là mời công chức, viên chức có học vị, học hàm, có chuyên môn phù hợp, đặc biệt là có kinh nghiệm thực tiễn.
Bên cạnh đó, rà soát lại kế hoạch đào tạo nội bộ để sớm đưa đi đào tạo, kể cả ở nước ngoài, đối với những viên chức trẻ có khả năng và triển vọng thành đạt trong giảng dạy, nghiên cứu. Cần phải tổ chức cho giảng viên trẻ đi nghiên cứu ở các địa phương và cơ sở để thâm nhập thực tế; tham gia nghiên cứu để giải quyết các vấn đề thiết thực, bức xúc, hữu ích ở địa phương.
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, phát biểu tại hội thảo
Đổi mới phương thức giảng dạy
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Củ Chi, cho rằng hoạt động giảng dạy lý luận chính trị là yếu tố quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng; góp phần nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong hoạt động giảng dạy và nâng cao chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Việc đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ…
Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, cần tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác giảng dạy lý luận chính trị. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên là nhân tố quyết định để thực hiện hiệu quả chức năng giảng dạy lý luận chính trị tại Học viện Cán bộ và các trung tâm chính trị. Các đơn vị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bồi dưỡng tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Phương pháp giảng dạy cần đổi mới, đồng thời bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.
Để phát huy vai trò của các trung tâm chính trị và Học viện Cán bộ, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát kiến nghị cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và tập trung trong công tác đào tạo bồi dưỡng của các trường chính trị gắn với bồi dưỡng công chức, viên chức vào một đầu mối, nhằm thống nhất xuyên suốt về tư tưởng chính trị, quan điểm lãnh đạo từ cấp cao nhất đến thành phố và quận, huyện. Bên cạnh đó, gắn việc đào tạo kỹ năng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, công chức, viên chức.
Lấy học viên làm trung tâm
Bà Nông Thị Hoài Hương - chuyên viên Phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - cho biết hiện đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị quận, huyện và TP Thủ Đức là 398 người, trong đó có 368 giảng viên kiêm nhiệm. Đội ngũ này có yếu tố thực tiễn song phương pháp giảng dạy còn khô khan, chưa thu hút nên chất lượng giảng dạy chưa cao.
Do đó, các giảng viên kiêm nhiệm cần đổi mới phương pháp giảng dạy với phương châm "lấy học viên làm trung tâm"; tăng cường tương tác hai chiều, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác của học viên.
Bình luận (0)