Theo Nghị định 10/2020, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt 1-2 triệu đồng đối với tài xế; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức.
Nhiều xe ngừng hoạt động, chưa lắp camera
Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định: Xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1-7-2021.
Theo Nghị định 10/2020, đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của tài xế, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31-12-2021.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có 103.000 xe trong tổng số 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát - đạt tỉ lệ hơn 50%. Tuy nhiên, theo thống kê của các sở GTVT, số ôtô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera đã ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19 là hơn 79.500 chiếc. Số lượng phương tiện đang hoạt động kinh doanh vận tải là hơn 126.000 xe.
"Như vậy, tỉ lệ số lượng xe đang hoạt động đã lắp camera đạt hơn 81% (103.000 trong tổng 126.000 chiếc). Trong đó, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên đạt 100%, xe khách tuyến cố định 91%, xe hợp đồng 69%, xe container 82% và xe đầu kéo 78%. Các tỉnh đạt tỉ lệ cao gồm: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang là 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu đạt trên 90%" - Tổng cục Đường bộ Việt Nam dẫn chứng.
Qua theo dõi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy từ ngày 1-1-2022, nhiều xe hoạt động kinh doanh vận tải đã thực hiện quy định lắp đặt camera theo quy định tại Nghị định 10/2020. Tuy nhiên, số lượng phương tiện ngừng hoạt động và chưa thực hiện lắp camera vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-3, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện chưa thể cập nhật số lượng ôtô đăng ký kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát so với số liệu công bố thời điểm 31-12-2021. Tuy nhiên, đến nay, hầu như các xe kinh doanh vận tải đang hoạt động đều đã lắp camera giám sát theo quy định.
"Từ ngày 1-1-2022, mức phạt hành vi vi phạm này cao gấp 2-3 lần chi phí lắp đặt camera. Vì vậy, các doanh nghiệp đều phải thực hiện" - ông Thủy nhận xét.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội kiểm tra việc lắp đặt camera giám sát trên xe chở khách
Không còn lý do trì hoãn
Cuối năm 2021, trước những khó khăn của doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ lùi thời hạn xử phạt xe không lắp camera đến hết năm 2022; các xe sẽ lắp camera vào chu kỳ kiểm định trước ngày 31-12-2022.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết nội dung Nghị quyết 66 của Chính phủ đã quy định tạm ngưng áp dụng việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về lắp camera theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) đến hết ngày 31-12-2021. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nghiêm túc thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ và tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện quy định về lắp camera.
Do đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đã đề nghị các thành viên hiệp hội và hội viên trực thuộc khẩn trương lắp camera cho các phương tiện của đơn vị mình theo quy định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết thực tiễn cho thấy việc lắp đặt camera giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng kết nối dữ liệu để xử lý an toàn giao thông, an ninh trật tự, nhất là giúp người tham gia giao thông quản lý chính mình khi điều khiển phương tiện... Chính phủ đã xem xét hết sức thận trọng, cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp vận tải. Vì thế, không còn lý do để trì hoãn việc lắp đặt camera giám sát.
Theo Bộ GTVT, việc lắp camera giúp doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý giám sát được hoạt động của tài xế, kiểm soát được các hành vi vi phạm, gây mất trật tự an toàn giao thông như: nghe điện thoại, không thắt dây an toàn, chở quá số người quy định, không đóng cửa xe khi đang chạy... Ngoài ra, camera còn giúp cơ quan chức năng truy vết tội phạm.
"Quy định này nhằm giúp quản lý chặt chẽ người lái xe, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông và nếu có xảy ra thì cũng sẽ biết lý do gây tai nạn, để công tác điều tra xử lý được nhanh chóng, rõ ràng và minh bạch" - một lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận.
Kéo giảm vi phạm về tốc độ
Kết quả xử lý vi phạm thông qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống cho thấy năm 2020, các sở GTVT đã thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện. Số liệu này chưa tính số tiền xử phạt các vi phạm liên quan thiết bị giám sát hành trình do lực lượng thanh tra giao thông và lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt.
Theo tính toán từ hệ thống, tỉ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh (năm 2015 tỉ lệ này là 11,5 lần/1.000 km, năm 2020 còn 0,32 lần/1.000 km - giảm khoảng 36 lần so với năm 2015), mặc dù số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội:
Xử lý nghiêm vi phạm
Từ ngày 1-1-2022, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng liên quan đã kiểm tra toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa hoạt động trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ và Thông tư 12 của Bộ GTVT.
Các đội thanh tra GTVT ở địa bàn có bến xe khách đã xây dựng phương án phối hợp với ban quản lý bến xe và các lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trước khi xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm đối với trường hợp không lắp camera trên xe theo quy định.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt):
Rất khó khăn nhưng phải tuân thủ
Do Bộ GTVT không đồng ý tiếp tục lùi thời điểm thực hiện Nghị định 10/2020 nên hầu như các doanh nghiệp đều phải tuân thủ. Công ty chúng tôi thực tế có 100 xe nhưng mới chỉ lắp camera giám sát trước thời điểm 31-12-2021 cho 30 chiếc đang hoạt động. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên 70 xe phải ngưng hoạt động đang nằm trong bãi, nếu lắp đặt thì quá lãng phí. Số xe này lúc nào hoạt động trở lại thì chúng tôi sẽ lắp camera giám sát theo quy định.
Trước khi có Nghị định 10/2020, chúng tôi đã lắp camera giám sát có hình ảnh cho hầu hết các xe đang hoạt động kinh doanh vận tải với chi phí rất lớn (hơn 10 triệu đồng/bộ). Tuy nhiên, khi Nghị định 10/2020 được ban hành và có hiệu lực, chúng tôi lại phải bỏ toàn bộ những camera đã lắp trước đó vì chưa hợp chuẩn.
Việc lắp camera giám sát theo quy định của Nghị định 10/2020 với tinh thần là để phục vụ công tác quản lý và bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn là rất tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay do việc vắng khách, xăng dầu tăng giá liên tục thì các khoản chi này khiến chúng tôi càng khó khăn hơn.
V.Duẩn ghi
Bình luận (0)