Trong thông tư này có nội dung gây tranh cãi gay gắt: "Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "hộ gia đình, gồm ông" (hoặc "hộ gia đình, gồm bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình... dòng tiếp theo ghi "cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
Dư luận nhìn chung không đồng tình với quy định ghi đủ thông tin nhân thân tất cả các đồng sở hữu bất động sản vào sổ đỏ như quy định của thông tư. Dù Bộ TN-MT cố gắng giải thích nhiều lần nhưng vẫn chưa thuyết phục được, vẫn còn rối rắm trong khi nguyên tắc của quy định pháp lý là phải rõ ràng, chính xác. Đại diện bộ này cũng đã thừa nhận Thông tư 33 có chỗ mắc lỗi diễn đạt gây khó hiểu và câu chữ mang tính kỹ thuật, người dân khó hiểu chứ người trong ngành thì đọc vào hiểu ngay…
Luật soạn ra cho toàn dân chứ chẳng phải phục vụ một nhóm người nào, do vậy phải loại trừ cái phần rối rắm ấy đi! Và cái phần rối rắm ấy lại chính là quy định mới về ghi tên vào sổ đỏ kể trên.
Bộ Tư pháp mới đây đã có cuộc họp khẩn với đại diện Bộ TN-MT để làm rõ những vấn đề gây tranh cãi của thông tư này. Quan điểm của cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp là trước khi có hiệu lực thực hiện (ngày 5-12-2017), Thông tư 33 phải bảo đảm tính khả thi.
Theo cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nếu các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa có giải pháp để giải quyết được những vướng mắc phát sinh và những khó khăn nhất thì Bộ TN-MT nên xem xét việc lùi thời điểm có hiệu lực của quy định này.
Quan điểm của Bộ Tư pháp khá rõ. Về phía Bộ TN-MT, tạm lùi thời điểm thực hiện Thông tư 33 không phải là một thất bại mà đó chính là sự cầu thị, biết lắng nghe tiếng nói từ phía chịu sự tác động của quy định pháp lý. Hơn tất cả, chính người dân mới biết họ đang như thế nào, cần gì từ các quy định pháp luật về đất đai và tài sản gắn liền trên đất. Vì lẽ đó, cơ quan soạn thảo và ban hành luật không nên nhắm mắt làm bừa.
Thời gian qua, tranh chấp nhà và đất do các kẽ hở pháp lý là có thật, cần phải ngăn chặn. Thông tư 33 không có dấu hiệu sẽ làm được nhiệm vụ đó mà có nguy cơ làm phát sinh tranh chấp, phức tạp hơn. Một văn bản pháp quy chưa đi vào thực tiễn mà bộc lộ mối nguy tiềm ẩn và tính khả thi thấp như vậy thì chẳng có lý gì mà không tạm dừng để xem xét, đánh giá.
Bộ TN-MT hãy cho thấy sự cầu thị của mình!
Bình luận (0)