xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghề mớp Nghĩa Hiệp hồi sinh

Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Nhiều người thợ ở đây đã sống chết với nghề vài ba thế hệ. Họ có chung khát khao tìm cách đột phá, tạo những cơ hội để nghề mớp của cha ông phải sống lại, con cháu nối nghề và no đủ ngay chính trên quê hương

Hết Tết nhưng vẫn còn xuân. Con đường từ thị trấn Sông Vệ xuống xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) trở lại nhịp sống rộn ràng. Những người thợ làm nghề mộc quanh năm suốt tháng bận rộn. Họ chỉ nghỉ trong mấy ngày Tết để thăm bà con nội ngoại, bạn bè, nhắc lại chuyện xưa, chuyện nay.

Một thời vang tiếng cưa, tiếng đục

Nhấp chén trà nóng, ông Nguyễn Nhàn tự hào nói: "Ở Quảng Nam có nghề mộc Kim Bồng và xa hơn là ở Huế có làng mộc Mỹ Xuyên, đều rất nổi tiếng về nghề mớp. Nhưng ở Nghĩa Hiệp, nghề này tồn tại đã hàng trăm năm trong sự nỗ lực của người làng để giữ nghề".

Nói xong, ông cho tôi xem những bức hoành, câu đối chạm bằng tay của người làng trong những thế kỷ trước với đường nét khá sắc sảo. Rồi ông khoát tay chỉ ra phía bờ sông Vệ. Nơi đó, ông nói ngày xưa có một bến đậu của thuyền, bè. Thời thơ bé, biết bao lần ông ra bến sông này ngóng chiếc bè gỗ của cha từ mạn ngược trở về. Bởi để có gỗ làm nghề mớp, cha ông họ cùng với người làng phải đi bộ lên mạn ngược tìm mua các loại gỗ lim, kiền kiền, lò đo, nhụ... kết thành bè xuôi sông.

Nghề mớp Nghĩa Hiệp hồi sinh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nhàn - một trong những người dân Nghĩa Hiệp đã gắn bó với nghề mớp từ nhỏ tới già

Trong ký ức của ông Nhàn, làng quê khi ấy ngày ngày vang tiếng cưa, tiếng đục. Rồi những bộ bàn ghế, giường, tủ, sập gụ, trường kỷ cứ thế mà hình thành.

Nhưng cũng có lắm người từng nổi danh như ông Đặng Ban, Đặng Trúc, Mười Cưu và lớp sau nữa là ông Năm Cảnh, Sáu Dương... Họ tự mình thành lập những nhóm thợ chuyên rời làng để nhận khoán công làm nhà rường, làm vật dụng cho những nhà giàu trong tỉnh. Có năm họ làm ở miệt biển, năm thì lên tận vùng cao nên chuyện nghề, chuyện làng, chuyện làng xóm vốn nằm lòng đã được họ mang theo, tiếng thơm cũng nhờ thế mà lan mãi.

Lệ thường, sau khi nhận thi công nhà, việc trước tiên của nhóm thợ là dựng lều và chọn gỗ để đóng ngay chiếc giường cho ông thợ cả có chỗ nằm nghỉ ngơi rồi mới phân công việc làm, mới tính chuyện xẻ gỗ, cưa, bào, chuốt... Người thợ giỏi bao giờ cũng là người biết tính toán. Đoạn gỗ thẳng thì cưa làm mặt tủ, làm be giường, đoạn cong thì lượn theo đó mà làm chân bàn, đế tủ. Riêng đòn dông nhà rường thì phải chọn cho được cây mít nài to, tròn, thẳng thớm mới chịu.

Làm một ngôi nhà rường và làm vật dụng có khi kéo dài vài năm trời nên gia chủ và cánh thợ dần dần thân thiết với nhau. Không chỉ khi mừng nhà mới mà sau khi làm nhà xong, kíp thợ có dịp tạt ngang là khách và chủ lại cùng nhau nhâm nhi ly rượu. Nhóm thợ có tay nghề khéo léo thì năm này qua năm khác chẳng lo thiếu việc làm.

Theo bước chân họ, hàng ngàn ngôi nhà rường mọc lên. Làm ăn khấm khá nên người Nghĩa Hiệp có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng. Dịp Tết đến xuân về, họ kéo nhau lên chợ sông Vệ mà mua hàng, góp phần làm cho vùng thị tứ ven sông Vệ dần dần sầm uất.

Thăng trầm theo thị trường

Như bao làng nghề truyền thống, người Nghĩa Hiệp hết lớp này đến lớp khác thay nhau làm nghề, dù là thời 9 năm kháng chiến chống Pháp hay thời chống Mỹ bom pháo đì đùng.

"Chiến tranh bom đạn suốt ngày mà nghề vẫn không mất. Thời bao cấp khó khăn cộng dồn song nghề vẫn còn. Vậy mà đến thời mở cửa có dạo lại long đong" - ông Nhàn kể.

Hơn 15 năm trước, khi thị trường mở rộng, đồ gỗ ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Thạch Thất (Hà Nội) chuyển vào và từ các tỉnh Tây Nguyên chuyển xuống Quảng Ngãi với chất lượng gỗ khá tốt và giá thành cũng "mềm" đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, người làm nghề mớp ở Nghĩa Hiệp rơi vào thế tột cùng khó khăn. Có dạo đi từ đầu đến cuối làng không còn nghe đâu âm thanh của tiếng đục kêu lóc chóc, không còn cảnh nói cười mặc cả sản phẩm. Có những thợ giỏi đã tính đến chuyện đổi nghề, lớp thanh niên thì tứ tán bốn phương tìm kế sinh nhai.

Chẳng lẽ cái nghề của cha ông lưu truyền hàng trăm năm đến đây là xóa sổ? Mà làng nghề xóa sổ thì biết lấy gì mưu sinh? Những câu hỏi cứ xoáy sâu vào lòng người.

Trong khoảng thời gian cam go ấy, anh Đỗ Thanh Quốc Huy theo chỉ dấu của những hàng mộc nhập về mà ra tận miền Bắc, tìm đến các cơ sở làm nghề mộc ở phường Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Anh ngây người khi tiếp cận cách làm ăn của dân Đồng Kỵ. Hóa ra, trong cơ chế thị trường, các chủ xưởng đã đầu tư tiền của từ lâu để mua máy móc cưa xẻ gỗ. Và hơn thế, họ đã ứng dụng cả máy đục gỗ điều khiển bằng vi tính trong việc chạm khắc sản phẩm. Hỏi có mẫu tranh gỗ tứ bình họ cũng gật, hỏi mẫu tranh nghề như ngư, tiều, canh, mục... họ cũng ừ có ngay.

Nghề mớp Nghĩa Hiệp hồi sinh - Ảnh 2.

Chạm khắc gỗ trong xưởng mộc của anh Đỗ Thanh Quốc Huy

Càng hỏi, anh càng choáng và càng thương cho làng quê làm nghề mớp của mình. Bởi người quê có chạm khắc tài hoa, sống động cho mấy thì sản phẩm làm ra cũng hết sức chậm thì đâu thể đủ sức cạnh tranh.

Thế là từ người đi buôn đồ mộc, anh Huy chuyển sang làm nghề mớp. Anh bỏ thời gian học nghề rồi đầu tư tiền của mua máy móc xây dựng cơ sở sản xuất đồ mớp.

Anh Huy kể: "Khi đó, mua máy cưa xẻ gỗ, máy đục gỗ vi tính về, tui đã xin đất trong cụm công nghiệp La Hà của tỉnh để làm cơ sở sản xuất. Nhưng người làng đâu quen cảnh sáng sớm phải đạp xe đi làm nên tui phải chuyển cơ sở mộc về quê".

Nghề mớp Nghĩa Hiệp hồi sinh - Ảnh 3.

Anh Đỗ Thanh Quốc Huy kiểm tra sản phẩm mớp trong cơ sở sản xuất của mình ở Nghĩa Hiệp

Vui vì giữ được nghề

Khu nhà xưởng của anh Huy là 2 ngôi nhà cấp 4 nằm kề bên con đường liên thôn. Ở căn nhà phía Bắc, gian trước mặt anh làm nơi cưa xẻ gỗ, phía sau là máy chạm khắc sản phẩm. Trong tiếng máy nổ vang, những súc gỗ lớn được cưa, xẻ, bào, chuốt rồi chuyển ra gian phía sau để chạm khắc. Theo mũi chạm, những hoa văn, họa tiết sống động dần hiện lên.

Còn ở ngôi nhà phía Nam, gian phía trước anh lắp đặt chiếc máy vi tính. Khi tôi đến, anh Nguyễn Văn Hồng đang lúi húi chỉnh sửa các mẫu mã chạm khắc. Anh cho hay khách hàng bây giờ đa dạng lắm. Có người đến đặt hàng, nêu ý tưởng thì mình góp ý cho họ, rồi đưa mẫu cho họ xem. Họ thêm bớt thế nào thì anh chỉnh sửa cho phù hợp. Ở gian phía sau là những người thợ xử lý các sản phẩm sau khi chạm khắc, trước khi đưa sơn PU tại nhà xưởng nằm bên kia đường liên xã.

Chị Phan Thị Hảo, công nhân của cơ sở này, bộc bạch: "Nhà tui nhiều đời làm đồ mớp. May có chú Huy sớm thấy cái ưu, cái nhược của nghề mà thay đổi nên mình có miếng cơm ăn và vui hơn là giữ được nghề của cha ông".

Xưởng mớp của anh Huy không chỉ làm ra sản phẩm mà còn nhận gia công chạm khắc sản phẩm cho cánh thợ mộc trong làng và cả các huyện lân cận. Những người thợ nhận hàng, cưa xẻ gỗ, bào chuốt cho gỗ thành hình rồi chuyển về đây chạm khắc, sau đó mới mang về để sơn PU.

Anh Dương Văn Tiến, thợ làm nghề sơn PU, nói: "Bây giờ ở làng mới có chuyện mỗi người làm một công đoạn. Chứ không như ngày xưa chỉ một người phải tất tần tật làm từ tấm gỗ cho đến khi ra sản phẩm. Riêng tôi làm nghề sơn PU thì quanh năm suốt tháng chẳng thiếu việc làm. Vào thời điểm giáp Tết thì bận rộn lắm, bởi mình vừa nhận sơn hàng mới vừa nhận sơn lại những vật dụng mà bà con đã sử dụng lâu năm".

Nghề mớp Nghĩa Hiệp hồi sinh - Ảnh 4.

Thợ sơn PU ở Nghĩa Hiệp nay chẳng lo thiếu việc làm

Làng mớp Nghĩa Hiệp dần qua bĩ cực. Nhưng để phát triển, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện cuộc sống cho người làm nghề còn đòi hỏi nhiều điều hơn. Riêng với Đỗ Thanh Quốc Huy, anh cho hay: "Mười năm trước, mình đưa chiếc máy CNC chạm khắc vi tính về làng và may mắn "sống" được. Nhưng bây giờ mà cứ làm mãi như thế thì rồi cũng sẽ rơi vào luẩn quẩn mà thôi".

Anh Huy cho hay trong năm mới này sẽ tìm cách mở rộng nhà xưởng, đặc biệt là sẽ dành một gian nhà khá rộng để trưng bày giới thiệu sản phẩm nghề mớp của ông cha xưa và của bây giờ. Có như thế mới thỏa lòng mong muốn của người làng trong việc phục hồi và phát triển nghề cũ.

Không chỉ anh Huy mà nhiều người thợ ở đây, có người đã sống chết với nghề vài ba thế hệ, cũng nói với tôi như thế. Họ có chung khát khao tìm cách đột phá, tạo những cơ hội để nghề mớp của cha ông phải sống lại, con cháu lại nối nghề và no đủ ngay chính trên quê hương của mình. Dĩ nhiên là khó. Nhưng một người không lo nổi thì nhiều người chung tay vào để vững tin rằng ngày ngày Nghĩa Hiệp lại vang tiếng cưa, tiếng đục... 

Người dân Nghĩa Hiệp gọi nghề truyền thống của mình là nghề làm đồ mớp. Mớp có nghĩa là mỏng manh, tinh xảo. Thì cũng cưa, cũng đục, cũng bào nhưng sản phẩm mộc của người dân nơi đây làm ra bao giờ cũng đẹp hơn, sắc sảo hơn, nhờ những bí quyết từ nhiều đời cha ông truyền lại, ngấm sâu trong máu thịt của những người thợ".

Ông NGUYỄN NHÀN - ngụ thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo