xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Đường bộ

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật Đường bộ với hàng loạt đề xuất mới

Theo Bộ GTVT dự án luật trên sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 10-2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5-2024.

Những đề xuất đáng chú ý

Theo dự thảo Luật Đường bộ, gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, chất nguy hiểm khác và phương tiện quá niên hạn sử dụng. Điều này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp đáp ứng yêu cầu về điều kiện kỹ thuật, bảo đảm độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác. Khi sử dụng gầm cầu cạn vì mục đích nêu trên, phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận biện pháp phòng cháy chữa cháy và đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.

Dự thảo luật cũng nêu rõ điểm cao nhất của phương tiện đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn 1,5 m; phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5 m. Phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải được rào chắn, trừ vị trí cho xe ra vào. "Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe cơ giới. Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình đường bộ mà không được yêu cầu bồi thường" - dự thảo luật quy định.

Liên quan hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ôtô, dự thảo Luật Đường bộ đã giải quyết được mối quan tâm của dư luận trong việc bảo vệ trẻ em tham gia giao thông. Cụ thể, tại điều 78, dự thảo luật quy định ôtô đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện.

Riêng ô tô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp lứa tuổi, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài. Đồng thời, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, giữ trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu hai người quản lý.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Đường bộ - Ảnh 1.

Một số gầm cầu cạn ở TP Hà Nội được tận dụng để trông giữ ô tô

Cần tính toán thấu đáo

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đánh giá việc quy định niên hạn sử dụng ô tô trên 9 chỗ để đưa đón học sinh không quá 15 năm - chặt chẽ hơn so với quy định không quá 20 năm hiện nay - là hợp lý. Bởi vì, thực tế đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi sử dụng xe quá niên hạn, cũ nát để đưa đón học sinh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dịch vụ đưa đón học sinh là hình thức vận tải kinh doanh theo hợp đồng. Đây không phải là vận tải đường dài, đòi hỏi chạy liên tục nên có thể quy định niên hạn sử dụng của loại hình xe đưa đón học sinh tương tự xe kinh doanh vận tải khách. "Nên tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển học sinh thay vì giảm niên hạn xe bởi việc này có thể tăng chi phí xã hội" - ông Quyền nêu quan điểm.

Nói về đề xuất cho phép sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện cơ giới, ông Nguyễn Văn Quyền, cho rằng có thể sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện cơ giới nhưng cần quy định điều kiện cụ thể đi kèm nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện. Quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn cháy nổ để không gây tổn hại đến các trụ cũng như kết cấu của cầu.

Riêng ông Bùi Danh Liên thì nhấn mạnh đối với việc sử dụng tạm thời cầu cạn để trông, giữ xe cơ giới, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc thấu đáo. "Trung Quốc và một số quốc gia không cho phép làm việc này bởi có thể không bảo đảm an toàn khi có sự cố xảy ra. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc sử dụng gầm cầu cạn để giữ xe là bất hợp lý" - ông Liên khuyến cáo.

Trạm dừng nghỉ phải có sạc điện

Điều 42 dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải được xây dựng ở vị trí phù hợp, đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật. Trạm dừng nghỉ phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện nhằm khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng xe chạy điện, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo