Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) thường niên năm 2017, chủ đề "VBF - 20 năm đồng hành cùng cộng đồng DN và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế và Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 12-12. VBF 2017 cũng chính là sự kiện tiền kỳ của Hội nghị Đối tác phát triển Việt Nam dự kiến diễn ra hôm nay (13-12).
Chưa đáp ứng kỳ vọng
Tại kỳ diễn đàn đánh dấu 20 năm thành lập VBF, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận biện pháp thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính, môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN tư nhân bứt phá.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có những tiến bộ vượt bậc với việc Chính phủ đề ra các mục tiêu: không thanh tra, kiểm tra chồng chéo; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; thực hiện Chính phủ điện tử, cắt giảm tối thiểu 30%-50% điều kiện, thủ tục hành chính... Sự cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của WB, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và việc vượt ngưỡng 120.000 DN thành lập mới trong năm nay chứng minh cho điều đó.
Cần tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Trong ảnh: Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt SinẢnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, theo ông Lộc, gần 60% DN vẫn đang kinh doanh không có lãi và trong 11 tháng qua, có tới 65.000 DN buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Những trở lực kìm hãm DN vẫn là chi phí kinh doanh cao và có xu hướng gia tăng; điều kiện kinh doanh cùng với thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn còn phức tạp, chưa được cắt giảm như mong muốn. Trước tình hình như vậy, các DN tư nhân trong nước lại chịu nhiều thiệt thòi hơn trong tiếp cận đất đai, tín dụng cũng như mức lãi suất hợp lý... so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đại diện Nhóm Công tác quản trị và liêm chính VBF nêu rõ sự thiếu minh bạch và liêm chính là mối quan tâm lớn của DN FDI, gây tổn thất chi phí đáng kể đối với xã hội và nền kinh tế. Đại diện Nhóm Công tác thuế và hải quan VBF cũng đề cập quá trình thực thi chính sách về đầu tư và thuế còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Rất nhiều DN gặp vướng mắc trong quá trình hoàn thuế GTGT, về việc áp mã hồ sơ, về trị giá hải quan, về thuế thu nhập cá nhân...
"Thực tế, có những khoản nợ được ghi nhận tự động trên hệ thống mà chính cơ quan thuế cũng không giải thích được cho DN... Có những khoản nợ thuế DN phải đi lại hàng chục lần, kéo dài cả năm mới xử lý được" - báo cáo của Nhóm Công tác thuế và hải quan VBF dẫn chứng.
Từ thực tiễn trên, VCCI đề nghị Chính phủ cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho DN. Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: "Chính phủ cần nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa DN FDI và DN trong nước, tạo môi trường để DN nội, ngoại trở thành các đối tác cộng sinh cùng có lợi trong nền kinh tế Việt Nam".
Không để thụt lùi về chính sách
Một bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh Việt Nam đã được khắc họa rõ nét qua góc nhìn của giới đầu tư, kinh doanh. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những khuyến nghị, sáng kiến của các DN, nhà đầu tư.
Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận còn phải làm nhiều việc để tiếp tục cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Thủ tướng nhấn mạnh: "Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư mà cũng chính là "lá phiếu" ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng DN chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam".
Về giải pháp cho thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế.
Thứ hai, Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định vĩ mô, chính trị - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực DN nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng; xử lý nợ xấu; kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công; cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho DN, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội.
Thứ ba, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng; bảo đảm sự thăng tiến xã hội không ngừng.
"Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, tiếp tục cải cách đổi mới, không để thụt lùi về mặt chính sách trong quá trình hội nhập sâu rộng" - Thủ tướng quả quyết.
Không được mang ô nhiễm vào Việt Nam
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu những góp ý, sáng kiến của nhà đầu tư tại diễn đàn để trên cơ sở đó rà soát, hoàn chỉnh các quy định pháp luật, các cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tạo mọi thuận lợi cho DN đầu tư, phát triển.
Trân quý và chào đón các nhà đầu tư và DN kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm là không hoan nghênh các hoạt động làm ăn không chân chính. Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các DN có hành vi gây ô nhiễm, mang ô nhiễm vào Việt Nam, từ đó phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội.
Bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham):
Mở cửa để thu hút nguồn vốn tư nhân
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã góp phần nêu bật những cơ hội lớn cho DN Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy có những cơ hội đầu tư không trở thành hiện thực do những vướng mắc khi phải đối mặt quy trình cấp phép còn rườm rà, nhiều hạn chế, thiếu rõ ràng hay khi phải đối mặt tham nhũng.
Chúng tôi tin tưởng việc tiếp tục mở cửa để thu hút nguồn vốn tư nhân cho những dự án quan trọng sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính của đất nước. Việt Nam đang có nhu cầu cấp bách cần thu hút nguồn vốn tư nhân để khắc phục tình trạng sụt giảm ngày càng tăng của nguồn cung so với nhu cầu điện năng. Do vậy, nếu có những biện pháp phù hợp, Việt Nam có thể khai thác được hàng tỉ USD đầu tư tư nhân.
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham):
Lấy phát triển và đổi mới làm trọng tâm
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cải cách nhằm tăng năng suất lao động là xu thế không thể tránh khỏi trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam cần đặt sự phát triển và đổi mới làm chiến lược kinh tế trọng tâm và hỗ trợ trên phạm vi quốc gia. Đặc biệt, tăng năng suất lao động thông qua đổi mới DN nhỏ và vừa cùng ngành dịch vụ là quan trọng hơn bao giờ hết. Muốn làm được điều này, cần sửa đổi một số luật liên quan và hỗ trợ nhiều hơn về mặt ngân sách để cải cách cơ cấu của ngành công nghiệp.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam NPT:
Đầu tàu đã chạy, các toa phải lao theo
Thời gian qua, Chính phủ đưa ra một số chương trình hành động đã tác động tích cực đến tâm lý DN, nhất là cộng đồng DN tư nhân. Chúng tôi có niềm tin hơn để đi tới, mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ được cụ thể hóa và đi vào thực tiễn nhiều hơn. Đầu tàu Chính phủ đã chạy, các toa tàu bộ ngành, địa phương, cả bộ máy công chức cũng phải chuyển động, chạy theo. Có như vậy, việc cải cách thể chế, chính sách, minh bạch hóa môi trường kinh doanh mới đi vào thực chất và mang lại hiệu quả tốt như mong muốn.
T.Dương - T.Nhân ghi
Bình luận (0)